CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (GB ACB) lần thứ 22

0

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 11 năm 2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Ban Điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN lần thứ 22 (gọi tắt là Hội nghị GB ACB 22) và các hội nghị khác có liên quan thông qua hình thức trực tuyến.

Hội nghị nhằm tập trung kiểm điểm tình hình hoạt động của Trung tâm ACB, tập trung vào tiến độ và kết quả triển khai của các dự án và trao đổi, thảo luận về phương hướng hoạt động của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (gọi tắt là ACB) trong thời gian tới. Bên lề của Hội nghị ACB GB 22 đồng thời diễn ra Hội nghị ASEAN về tham vấn xây dựng Tuyên bố chung ASEAN tại Hội nghị các nước thành viên Công ước Đa dạng sinh học (CBD) lần thứ 15; Hội nghị lần thứ 6 của Ban chỉ đạo Chương trình (PSC) cho Hợp tác ASEAN-Đức về Đa dạng sinh học; Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Dự án (PSC) Dự án Bảo tồn và Quản lý Đa dạng Sinh học trong các Khu Bảo tồn trong ASEAN (BCAMP).

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch ASOEN Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; bà Datuk Zurinah Pawanteh, Chủ trì Ban quản trị Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, Chủ tịch ASOEN Malaysia, Tổng thư ký Bộ Năng lượng và Tài nguyên Malaysia; Tiến sĩ Theresa Mundita Lim, Giám đốc điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN.

Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), Ban Thư ký ASEAN (ASEC), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB). Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tổn đa dạng sinh học như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Tại điểm kết nối Việt Nam có bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trưởng Nhóm công tác ASEAN về Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường làm Trưởng đoàn cùng các thành viên gồm các đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Văn phòng ASOEN Việt Nam Việt Nam.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn trưởng Đoàn Việt Nam và ông Nguyễn Minh Cường, Chánh Văn phòng ASOEN Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm kết nối Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết: “Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với một loạt các thách thức về môi trường bao gồm biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN đang phải gánh chịu tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19 cũng như các sự cố thiên tai gần đây bao gồm bão, xoáy thuận nhiệt đới và lũ lụt. Tôi chia buồn và cảm thông sâu sắc với các gia đình, các nạn nhân và tất cả những người dân bị ảnh hưởng cuộc sống do thiên tai tại các nước trong khu vực. Rõ ràng, tăng cường hợp tác trong tương lai thông qua việc thừa nhận cách tiếp cận chặt chẽ hơn, đa ngành, nhiều bên liên quan trong Cộng đồng ASEAN để đảm bảo ASEAN ứng phó kịp thời và hiệu quả với thiên tai và đại dịch là vô cùng cấp thiết. Thực hiện vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020 với Chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam cũng đang tiến tới tăng cường hợp tác ASEAN bằng cách chung tay với các quốc gia thành viên ASEAN, các nước đối tác và các tổ chức để đối phó với đại dịch COVID-19…Đặc biệt, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) mới được Quốc Hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua đã đưa mộ số nội dung liên quan đến di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với Chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững”

Kết thúc bài phát biểu, bà Nhàn kêu gọi “Chính phủ và người dân các nước ASEAN cùng chung tay, phối hợp hành động thiết thực hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vô giá thông qua các hành động nhằm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược về môi trường ASEAN (ASPEN), lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học vào các ngành phát triển, đa dạng sinh học là giải pháp giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu; Chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, cân bằng với tự nhiên”.

Các đại biểu tham dự Hội nghỉ chụp hình lưu niệm.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với các nước đối tác và các tổ chức cùng nhau trao đổi kỹ hơn để tăng cường hiệu quả thực thi Kế hoạch hành động ACB với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Chương trình Công viên Di sản ASEAN (AHP); Đa dạng sinh học lồng ghép; Phục hồi hệ sinh thái; Tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học; Báo cáo Hiện trạng Đa dạng sinh học ASEAN lần thứ ba (ABO3); Truyền thông, Giáo dục và Nhận thức Cộng đồng (CEPA); Các sáng kiến liên ngành; Ban cố vấn khoa học ACB; Chương trình Biệt phái ACB cho AMS và Chương trình Gắn kết Chuyên gia ACB. Cùng với đó, các bên đã cùng nhau cập nhật Kế hoạch hành động Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học (AWGNCB); Rà soát kết quả Cuộc họp lần thứ 30 của Nhóm Công tác ASEAN về Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học (AWGNCB); Cập nhật về Đánh giá tổ chức ACB và báo cáo Cuộc họp bất thường của Hội đồng quản trị ACB lần thứ 21.

ACB cũng đưa ra những sáng kiến, đề xuất tiềm năng hợp tác với các đối tác phát triển như: Hợp tác với Ban Thư ký Công ước Đa dạng Sinh học; Hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Toàn cầu…

Việt Nam, với vai trò là nước chủ nhà của các Hội nghị lần này, đã cùng Malaysia và ACB, tham gia chủ trì các Hội nghị, đóng góp nhiều ý kiến của Chương trình nghị sự nhằm thúc đấy hợp tác khu vực ASEAN về đa dạng sinh học được triển khai thực hiện thành công Chiến lược và kế hoạch hành động hợp tác đã đặt ra trong ASEAN trong thời gian tới./.

Theo vea.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.