CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường khu vực phía Bắc

0

Giai đoạn 2016-2018, hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường khu vực phía Bắc như sau:

Môi trường đất

Trong giai đoạn 2016 – 2018, chất lượng môi trường đất tại đa phần các khu vực miền Bắc vẫn duy trì khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm cục bộ do chịu tác động bởi chất thải của hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề,… vẫn tiếp tục diễn ra. Kết quả quan trắc tại một số khu vực làng nghề, cạnh các khu vực sản xuất công nghiệp và vùng chuyên canh nông nghiệp cho thấy, môi trường đất đã bị ô nhiễm kim loại nặng, chất hữu cơ và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí có xu hướng tăng nhẹ qua các năm. Tình trạng xâm nhập mặn tại các khu vực cửa sông, xói mòn rửa trôi tại các khu vực miền núi ngày càng gia tăng cũng gây suy thoái môi trường đất tại các khu vực này.

Môi trường không khí

Trong giai đoạn 2016 – 2018, môi trường không khí tại nhiều khu vực đô thị của miền Bắc vẫn đang bị ô nhiễm bụi (bao gồm tổng bụi lơ lửng (TSP), bụi PM10 và bụi mịn PM2.5), tuy nhiên cũng đã có sự cải thiện hơn so với giai đoạn trước (2013-2015). Kết quả quan trắc tại Hà Nội, Phú Thọ và Quảng Ninh cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm đều vượt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT – QCKTQG về môi trường không khí xung quanh. Các thông số khác trong không khí (như NOx, SOx, CO…) có giá trị khá thấp, đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT và không có nhiều biến động so với những năm trước.

Ở khu vực miền Bắc do chịu tác động của khí hậu và tác động tổng hợp của các nguồn thải nên mức độ ô nhiễm bụi cũng cao hơn và có sự biến động theo mùa so với khu vực miền Nam. Tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố của miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật, ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1 – 2 và có thể kéo dài sang tháng 3 năm sau. Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong những tháng đầu năm 2019 cho thấy, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức tốt và trung bình. Một số trạm đo có chất lượng không khí kém hơn. Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, cộng với các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường.

Cùng với ô nhiễm bụi, ô nhiễm tiếng ồn cũng là một trong những vấn đề môi trường nổi cộm tại nhiều đô thị ở miền Bắc. Đặc biệt là tại các tuyến đường giao thông lớn và vào các giờ cao điểm giao thông, mức ồn giao động trong khoảng 70 – 84 dBA, đã chạm và vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT quy định đối với khu giờ từ 06h-21h (70 dBA). Kể cả các đô thị nhỏ, ô nhiễm tiếng ồn tại các tuyến giao thông vẫn diễn ra khá thường xuyên. Mức ồn tại các khu vực dân cư trong đô thị cũng khá cao, nhưng cơ bản vẫn nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN 26:2010/BTNMT. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động, công trình xây dựng trong khu vực nội thành, điển hình tại Hà Nội (sửa chữa đường xá, xây dựng mới các tuyến đường giao thông trên cao, các tòa nhà cao tầng, khu đô thị v.v…) đang gây nhiều bức xúc cho cộng đồng. Do các hoạt động này kéo dài, diễn ra cả ngày và đêm nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân khu vực lân cận.

 Môi trường nước

Giai đoạn 2016 – 2018, chất lượng nước mặt ở thượng nguồn các lưu vực sông (LVS) tương đối tốt; tình trạng ô nhiễm xảy ra tập trung chủ yếu ở khu vực trung và hạ lưu các sông. Trong đó, tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, chưa có nhiều cải thiện, chủ yếu vẫn là ô nhiễm các chất hữu cơ vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT – QCKTQG đối với môi trường nước mặt lục địa.

Trên LVS Cầu, ô nhiễm vẫn tập trung ở phần hạ lưu thuộc địa bàn các tỉnh/tp Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; sông Ngũ Huyện Khê vẫn là khu vực trọng điểm ô nhiễm của LVS này, chủ yếu do nước thải sản xuất chưa qua xử lý của CCN Phú Lâm và Làng nghề giấy Phong Khê. Tại LVS Nhuệ – Đáy, tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, thượng nguồn sông Đáy (đoạn qua Hà Nội) và các sông nội thành của Hà Nội vẫn chưa được cải thiện. Những năm gần đây, hệ thống sông Bắc Hưng Hải đã bị ô nhiễm khá nghiêm trọng về chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh…do tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề…, ngoài ra còn phải tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương;….). Mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô (từ tháng 10-12 hàng năm) do hệ thống sông đóng để trữ nước phục vụ cho công tác thủy nông gây tình trạng nước bị ứ đọng, không có dòng chảy.

Chất lượng nước biển ven bờ ở hầu hết các tỉnh/tp ven biển miền Bắc trong giai đoạn 2016 – 2018 vẫn duy trì khá tốt, cơ bản các thông số đặc trưng đều nằm trong giới hạn của QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển. Tuy nhiên, một số khu vực có các hoạt động du lịch, giao thông, cảng biển phát triển mạnh như Quảng Ninh, Hải Phòng… vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm cục bộ các chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ và dầu mỡ. Tuy nhiên, không có biến động bất thường so với giai đoạn trước. 

Đa dạng sinh học

Hiện nay, tại khu vực phía Bắc có 94 khu bảo tồn trong tổng số 176 khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc (tăng 01 khu bảo tồn so với năm 2016; chiếm tỷ lệ 53,44%). Diện tích rừng khu vực phía Bắc tăng cả về diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng. Tại khu vực phía Bắc có 03 loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm: Voọc bạc Trường Sơn, Trâu rừng, Giải sin-hoe hay rùa Hoàn Kiếm. Bảo tồn và lưu giữ hơn 14.000 nguồn gen của trên 200 loài cây; bảo tồn, lưu giữ 92 giống vật nuôi; đã thu thập được hàng nghìn loài động thực vật, trong đó có 26 loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn và lưu giữ được 70 giống vật nuôi và gia cầm có nguy cơ tuyệt chủng. Đối với công tác bảo tồn chuyển chỗ, hiện đã có 28.028 nguồn gen cây trồng nông nghiệp đang được lưu giữ bảo quản. Kết quả đã tuyển chọn được 30 nguồn gen lúa đặc sản, 5 nguồn gen rau, 3 nguồn gen khoai môn, 2 nguồn gen hoa bản địa. Đến nay, 80% nguồn gen vật nuôi được bảo tồn đã được đánh giá.

Tuy nhiên, nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa đang bị mai một với 80% giống cây trồng đã mất, giống vật nuôi suy giảm gần 10% mỗi năm. Sự hao hụt nguồn gen ở nước ta hiện nay một phần do sự thay thế các giống năng suất thấp (bản địa) bằng các giống/dòng cao sản từ các nước phát triển.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rà soát, cập nhật bổ sung Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và trình Chính phủ xem xét, ban hành. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia về bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tăng cường quản lý, hướng dẫn công tác kiểm soát, ngăn ngừa hoạt động nhập khẩu, buôn bán, sử dụng trái phép các loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Đặc biệt, hướng dẫn các cơ quan liên quan như Tổng cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động nhập khẩu, vận chuyển trái phép loài tôm hùm nước ngọt – loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT trên cả nước.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.