CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hiện trạng đa dạng sinh học

0

Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học cho thấy, số lượng động vật, thực vật hoang dã trong thiên nhiên bị đe dọa đã gia tăng đáng kể.

Hiện nay, đã nghiên cứu, xác định được 1.211 loài động – thực vật hoang dã trong thiên nhiên bị đe dọa, đề xuất đưa vào Sách đỏ Việt Nam thời gian tới, bao gồm 600 loài thực vật và 611 loài động vật (tăng 329 loài so với Sách đỏ Việt Nam 2007, gồm 136 loài thực vật và 193 loài động vật).

Số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar ở Việt Nam tiếp tục gia tăng. Đến năm 2018, cả nước có 172 khu bảo tồn với tổng diện tích 2.493.843,67 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 06 khu bảo tồn so với năm 2015, bao gồm 02 vườn quốc gia, 02 khu dự trữ thiên nhiên, 01 khu bảo tồn loài, sinh cảnh và 01 khu Bảo vệ cảnh quan với tổng diện tích tăng thêm là 66.693,67 ha).

Ngoài ra, trong năm, Việt Nam có thêm 01 khu Ramsar (Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, tỉnh Ninh Bình), nâng tổng số các khu Ramsar ở nước ta lên 09 khu (Bao gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy – Nam Định (1989); Bàu Sấu thuộc vườn quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai (2005); Hồ Ba Bể – Bắc Kạn (2011); Tràm Chim – Đồng Tháp (2012); Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (2013); Vườn quốc gia Côn Đảo (2014); Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen – Long An (2015); Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang (2016); Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long – Ninh Bình (2018). Số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã lưu giữ khoảng 30.000 nguồn gen cây trồng nông nghiệp; trên 2.000 loài cây lâm nghiệp; lập danh mục và lưu giữ 730 loài cây thuốc cần bảo tồn; khoảng 70 đối tượng vật nuôi và 87 giống thuộc 75 loài thủy sản nước ngọt, 12 loài cá biển, 2 nguồn gen giáp xác, 4 nguồn gen thân mềm, khoảng 22.000 chủng vi sinh vật được lưu giữ bảo quản dưới dạng các bộ sưu tập theo 4 phương pháp khác nhau. Đã có 03 hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh được thành lập tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trong số 38 hành lang đa dạng sinh học đã quy hoạch trên phạm vi cả nước.

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích rừng tăng về diện tích rừng hiện có, rừng trồng và diện tích rừng tự nhiên; cụ thể: tính đến 31/12/2018 diện tích đất có rừng: 14.491.295 ha, tăng 75.914 ha so với năm 2017; diện tích rừng tự nhiên: 10.255.525 ha, tăng 19.110 ha so với năm 2017; diện tích rừng trồng: 4.235.770 ha, tăng 56.804 ha so với năm 2017; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng 0,2% so với năm 2017.

Trong 3 năm 2016-2018, diện tích rừng bị thiệt hại trung bình 2.430 ha/năm, giảm 270 ha/năm, tương ứng giảm 10% so với giai đoạn 2011-2015. Ước giai đoạn 2016-2020 sẽ giảm 30% so với giai đoạn 2011-2015.

Đầu nguồn sông Hồng, chất lượng nước sông đã bị ô nhiễm các hợp chất hữu cơ (COD, BOD5) và có xu hướng gia tăng so với năm 2017; tại thượng nguồn sông Hậu, nước sông cũng đã có hiện tượng ô nhiễm các hợp chất hữu cơ.

CTTĐT

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.