Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, thời gian qua các cấp chính quyền tại Hà Tĩnh đã quan tâm vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào xử lý vấn đề nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2019, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi đã qua xử lý biogas của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh được triển khai thí điểm tại huyện Thạch Hà. Kết quả, nước thải đầu ra trong hơn, mùi hôi giảm rõ rệt, toàn bộ hệ thống nước thải sau xử lý được tận dụng để tưới cây.
Qua triển khai, nhận thấy mô hình xử lý nước thải sinh hoạt trong khu dân cư rất phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Được biết, để thực hiện thí điểm, hộ dân được hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình, hỗ trợ chế phẩm sinh học, kỹ thuật xử lý nước thải.
Không được bài bản và lớn như nhiều mô hình khác, bà Phạm Thị Cuối xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã lắp đặt cho gia đình hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt loại nhỏ. Bà Cuối cho biết: “Trước đây toàn bộ nước rửa dọn, hay nước bẩn chứa trong bể phốt của gia đình đều đổ thẳng ra hệ thống kênh mương trong xóm. Thế nhưng từ khi lắp đặt hệ thống toàn bộ nước thải sinh hoạt của gia đình đã được xử lý. Người dân có thể tận dụng để tưới cây trong những thời điểm khan hiếm nguồn nước”.
Với sự hỗ trợ từ Văn phòng điều phối nông thôn mới và các chính sách của huyện, tỉnh nên hiện nay trên địa bàn xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà đã có hàng trăm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt lớn nhỏ đi vào hoạt động. Đặc biệt, đối với những hộ kinh doanh, hộ sản xuất, chăn nuôi lớn bước đầu áp dụng mô hình đã cho thấy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Ninh Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: “ Đầu năm 2022, địa phương đã triển khai nhân rộng mô hình tới 300 hộ dân trên địa bàn. Qua đó có thể đánh giá mô hình có tác dụng hiệu quả trong việc giảm thải tại các hộ dân”
Ông Nguyễn Văn Chung ở xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà là hộ dân tiên phong thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải 3 ngăn, theo thiết kế thì toàn bộ nước thải sinh hoạt của gia đình đều chảy qua hố xử lý. Kết quả, việc triển khai hố xử lý 3 ngăn đã phát huy hiệu quả khi phần lớn nước thải chảy qua hố đều sạch hơn, giảm thiểu ách tắc kênh mương.
“Để hệ thống xử lý nước thải phát huy hiệu quả thì ngoài việc lắp đặt đúng kỹ thuật, người dân cũng phải nêu cao ý thức trong việc xã thải cũng như vệ sinh hệ thống một cách thường xuyên”, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Được biết, hiện ở thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà còn được Trường Đại học xây dựng Hà Nội đầu tư thí điểm hệ thống xử lý nước thải cho cụm dân cư tập trung. Quá trình tổ chức thực hiện bước đầu gặp không ít khó khăn, thế nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy chính quyền, tổ chức đoàn thể và đặc biệt là với hiệu quả từ hệ thống xử lý nước thải đã được khẳng định nên người dân cơ bản đồng tình ủng hộ.
Hiện nay, để xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Thạch Hà đã xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng các vật liệu composite, ống bê-tông, xây bằng gạch…Từ nguyên lý hoạt động đơn giản, mô hình đang được người dân áp dụng tạo nên tính bền vững trong bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Hà, cho biết: “Nước thải sinh hoạt dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người như nước thải công nghiệp nhưng để lâu dần sẽ tích tụ vi khuẩn, gây nên tình trạng ô nhiễm, dẫn tới nguy cơ cho nhiều loại bệnh như hô hấp, tiêu hóa, ngoài da….”
“Đến nay toàn huyện Thạch Hà đã nghiệm thu 1.670 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, 109 mô hình xử lý nước thải chăn nuôi. Trong năm 2022 dự kiến sẽ hoàn thành 3000 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2024 có 50% hộ dân xử lý nước thải sinh hoạt, nươc thải chăn nuôi”, ông Phạm Văn Đồng cho biết thêm.
Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, khuyến khích hộ dân xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt 3 ngăn. Do quy trình xây dựng đơn giản, giá thành hợp lý, lại có thể xử lý một cách cơ bản tình trạng ô nhiễm, nên kỹ thuật này đã được nhiều hộ dân sử dụng. Đây là yếu tố quan trọng để các địa phương củng cố, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.
Nước thải sinh hoạt sẽ chảy ra hệ thống ao, hồ, sông suối làm các sinh vật như tôm, cá có thể chết, sau đó ngấm xuống lòng đất để rồi con người tiếp tục sử dụng trở lại. Do vậy việc triển khai mô hình xử lý nước thải sinh hoạt là hết sức cần thiết.
Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua trong xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình và mô hình xử lý nước thải tập trung tại khu/cụm dân cư; Sở đã hướng dân cac địa phương thực hiện rà soát, lập kế hoạch triển khai xây dựng mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình của Hội đồng nhân dân tỉnh và mô hình xử lý nước thải khu dân cư tập trung. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có khoảng 13.500 hộ dân cư nông thôn đã xây dựng mô hình thu gom, xử lý nước thải, đạt khoảng 4,5% số hộ (13.500 hộ/306.501 hộ dân cư nông thôn trên toàn tỉnh)”.
Để hoàn thành Đề án thí điểm xây dựng NTM tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tai QĐ số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2020, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn Hà Tĩnh thực hiện thu gom xử lý nước thải sinh hoạt bằng biện pháp phù hợp, hiệu quả phải đạt tối thiểu 35 % (94.000 hộ).
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/