Và trăng hiện ra ở cuối sông, nhè nhẹ nhô cao, tỏa ánh sáng vàng mơ của mình khắp bãi bờ.
Nếu tập trung giác quan, bạn sẽ cảm nhận được ánh trăng đậu xuống vai mình và bạn sẽ ngửi thấy mùi trăng, thật đấy…
Nhưng Hà thành không chỉ có trăng.
Từ góc nhìn núi…
Đôi khi người ta vẫn có thể tìm kiếm được những vẻ đẹp bất ngờ ở nơi mà mình tưởng như đã quá thân thuộc. Vấn đề ở chỗ bạn có một “view”, góc nhìn mới.
Những ngày trời đất quang đãng, hãy tìm cho mình một vị trí nào đó, thật cao, dĩ nhiên là trong điều kiện cho phép, để quan sát, bạn sẽ phát hiện ra một “Hà Nội mới”. Một Hà Nội không chỉ san sát nhà cao tầng, nghìn nghịt người xe len nhau trên đường, mà là một Hà Nội cận kề với núi, yên bình trong vòng ôm lớn lao, gợi cảm của núi. Khi ấy chắc chắn bạn sẽ thấm thía vì sao người xưa lại quyết định chọn nơi này làm nơi “đóng đô muôn đời”.
Vị trí ngắm núi thứ nhất, tuyệt vời nhất, lại không phải phiền hà ai là ở trên cầu Thăng Long. Tại đó, vào hôm trời quang quẻ, bạn ngoái nhìn xung quanh chắc chắn sẽ thấy những dãy núi vây quanh khiến Hà Nội vừa giống một chiếc gương tròn rộng lớn, yên ả, lại vừa giống một khuôn mặt thanh tú với hai bàn tay ốp nhẹ hai bên. Tại vị trí này, sự hùng vĩ của Tam Đảo sẽ khiến bạn ngỡ ngàng. Những dải mây trắng chờn vờn vây trên đỉnh núi, đôi khi chúng dàn thấp xuống và bạn sẽ có cảm giác núi cao hơn. Ngoái lại phía sau, bạn lại thấy được cả Ba Vì lô xô trong màu xanh lam nhẹ nhõm, trong trẻo.
Còn nếu không muốn lên cầu Thăng Long thì đứng ở cầu Chương Dương bạn cũng có thể thấy núi, nhưng chỉ thấy một bề thôi. Nghĩa là bạn chỉ có thể thấy dãy Tam Đảo, nhưng hình thế sẽ khác đi. Núi không cong hình vòng cung nữa mà chờn vờn hơn, hư ảo hơn tựa những con sóng biển đang nhăm nhe đổ về Hà thành. Vị trí này phong cảnh núi cực kỳ đẹp bởi tiền cảnh là chiếc cầu Long Biên vươn dài qua sông.
Đấy là hai vị trí dễ dàng nhất, còn nếu có điều kiện đứng ở bất cứ nóc tòa nhà cao tầng kha khá nào ở trong thành phố, bạn cũng sẽ có được một “view” ngoạn mục, hấp dẫn.
…đến chỗ ngắm trăng
Ai đó đã than lên rằng ngày càng ít có dịp ngắm trăng trên đất Hà thành này. Vầng trăng bị nhà cao tầng và bị ánh điện đẩy đi đâu đó rất xa, đến mức nhiều khi ta quên béng mất rằng trăng đang tồn tại trên đầu ta và ta đã từng có dịp thưởng thức nó một cách trọn vẹn nhất. Quả là trăng có bị ánh sáng điện làm lu mờ đi thật, quả là chỗ để ta thảnh thơi ngửa cổ ngắm trăng đã bị các tòa nhà cao tầng chiếm mất thật, nhưng như vậy không có nghĩa là hết sạch sành sanh cơ hội để ngắm trăng. Nếu tìm thì vẫn thấy, mà thấy rất nhiều chỗ là đằng khác. Có hai vị trí ngắm trăng đẹp ngay tại Hà thành mà chả cần đi đâu xa. Hai vị trí ấy đều liên quan tới rồng. Vị trí thứ nhất phù hợp với những người có “gu” dân giã, quê kiểng. Còn vị trí thứ hai thì phù hợp với những ai có tâm hồn khoáng đạt, muốn cao rộng, bát ngát.
Tầm tháng Bảy, tháng Tám, nếu muốn ngắm trăng mang phong vị đồng quê, bạn hãy rủ thêm mấy người nữa, nhẩn nha kéo nhau ra bãi nổi giữa sông Hồng, ngay dưới chân cầu Long Biên mà chờ. Từ bãi giữa ấy, bạn sẽ được hưởng đủ tất cả những gì mà đồng quê có: mùi đất ngai ngái, gió mát lồng lộng thổi, tiếng côn trùng ri rỉ, tiếng nước lầm lầm, ngầu ngầu. Và trăng hiện ra ở cuối sông, nhè nhẹ nhô cao sau đó tỏa ánh sáng vàng mơ của mình khắp bãi bờ. Nếu tập trung giác quan, bạn sẽ cảm nhận được ánh trăng đậu xuống vai mình và bạn sẽ ngửi thấy mùi trăng, thật đấy, mùi trăng hơi nhàn nhạt nhưng đủ làm bạn chếnh choáng. Bạn có thể không say rượu, nhưng khi ngửi mùi trăng, có thể bạn sẽ say. Say trăng là một đặc ân đấy, đừng có bỏ phí. Đó chắc chắn sẽ là cảm giác không dễ gì phai nhòa, dù bạn đã từng ngắm trăng đến hàng nghìn lần đi chăng nữa. Trăng lên cao, cầu Long Biên bắt sáng, các đường nét cong cong duyên dáng lóe lên và khi ấy hẳn bạn sẽ thấu được những ý nghĩa sâu thẳm trong từ cái tên của cây cầu hơn trăm tuổi này. Đó là vị trí thứ nhất, ngắm trăng từ phía dưới bụng rồng, nghĩa là phía dưới chân cầu Long Biên.
Còn muốn từ trên “ngó” xuống thì hãy “cưỡi rồng”, nghĩa là hãy đứng ở đỉnh cầu Thăng Long mà đón trăng. Trăng sẽ mọc từ phía dưới chân bạn, dâng dần lên và ở góc nhìn cao ngạo kiêu hãnh này, bạn sẽ được chứng kiến một vẻ đẹp khác. Vẻ đẹp tuôn chảy dào dạt của ánh trăng xuống thành phố. Khi ấy bạn sẽ phát hiện ra một con rồng khác, cực khổng lồ, đang vùng vẫy di chuyển về phương xa. Đó chính là sông Hồng. Dưới ánh trăng, sông Hồng rờ rỡ hơn, linh động hơn, nguyên sơ, khác thường hơn. Trên “lưng rồng, nghĩa là trên đỉnh cầu Thăng Long, bạn có quyền kiêu hãnh nghĩ rằng cách đây cả ngàn năm, bậc tiên phong đạo cốt Lý Bạch đời Đường cũng chỉ tận hưởng trăng đến như thế này là cùng. Cùng với ý nghĩ đó, bạn đã tìm lại được cái vầng trăng nguyên sơ cách đây cả nghìn năm, ngay tại Hà thành đô hội.
Và khi bạn đã yêu, thì đấy, dẫu có nghìn năm, xa nghìn dặm, nhắm mắt lại và tưởng tượng, thì núi vẫn như một vòng ôm, buông lơi mà ấm áp, và trăng mỗi mùa vẫn đậu trên vai, tỏa ra một mùi hương chếnh choáng.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/