CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Hà Nội: Đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí

0

Những năm gần đây, để cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chương trình, giải pháp, thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan chức năng và cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện Dự án “Cam kết thành phố tham vọng”,năm 2020, Hà Nội xây dựng và cập nhật Kế hoạch lần thứ 3 với mục tiêu chung là đưa ra giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn. Đây không phải là những hoạt động được thực hiện riêng của chính quyền thành phố mà là sự cam kết, chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Thành phố Hà Nội xác định 5 nhóm ưu tiên thực hiện dự án gồm: vấn đề quản lý chất lượng không khí, quản lý chất thải, năng lượng, quy hoạch đô thị, lối sống xanh hay tiêu dùng bền vững.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, bên cạnh Dự án “Cam kết thành phố tham vọng”, thành phố Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường, rà soát các quy hoạch phát triển có tính tới yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường và tập trung triển khai giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hướng tới thành phố cacbon thấp.

Đến nay, thành phố đã lắp đặt 50 trạm cảm biến trong nhà tại các trường học, một số văn phòng… để cung cấp cho người dân chỉ số chất lượng không khí liên tục và kịp thời. Từ đó giúp những nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những quy định phù hợp trong việc cải thiện chất lượng không khí.

Thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan Phát triển Đức tiến hành lắp đặt tại quận Hoàn Kiếm thêm 20 trạm cảm biến nữa, góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới quan trắc về không khí.

Về quản lý chất thải, thành phố luôn quan tâm quản lý những phụ phẩm, chất thải từ hoạt động nông nghiệp; xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa; quản lý tuần hoàn rác là mục tiêu hướng tới của thành phố. Trong đó, với các sản phẩm, phụ phẩm từ nông nghiệp, sáng kiến “hạn chế đốt rơm, rạ” để tiến tới chấm dứt tình trạng này vào cuối năm 2020.

Thành phố Hà Nội cũng tiến hành khảo sát và đưa ra giải pháp phù hợp để các địa phương xây dựng các kế hoạch hoạt động về phát triển năng lượng tái tạo, đánh giá những mô hình thí điểm hiệu quả, từ đó nhân rộng ra các địa phương. Một trong những chương trình mà thành phố hướng đến là mỗi người dân khi sử dụng tấm năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng – mức giá ưu đãi nhất với sự cam kết của doanh nghiệp và chính quyền.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ sẽ triển khai hai dự án thí điểm Dự án sân chơi tái chế và hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại Trung tâm Thể thao văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Hai dự án này được tài trợ bởi Tổ chức các chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững (ICLEI) hướng đến giảm phát thải ô nhiễm. Dự án đi vào hoạt động không chỉ góp phần cải thiện cơ sở vật chất, tạo không gian sinh hoạt chung bổ ích cho người dân mà còn giúp người dân có những trải nghiệm mới với những hoạt động thân thiện với môi trường, hình thành thói quen sử dụng vật liệu tái chế, theo dõi chỉ số không khí hàng ngày…

Nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.