Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong cuộc họp Hội đồng xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2019 vào chiều 4/12 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phiên họp xét tặng Giải thưởng có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo; Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển; GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh; GS.TSKH.NGND. Phạm Ngọc Đăng…
Sau khi nghe Báo cáo về quá trình triển khai hoạt động xét tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2019, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2019 là danh hiệu thống nhất, cao quý nhất của Việt Nam về môi trường, do đó, những đơn vị, tổ chức, cá nhân giành được giải thưởng bên cạnh chức năng, nhiệm vụ chuyên môn thì các hoạt động đều phải nhận được sự ủng hộ của xã hội trong công tác bảo vệ môi trường; các kết quả này phải hội tụ được các yếu tố môi trường – xã hội – đời sống chính trị”.
Theo Bộ trưởng, thành tích của những đơn vị giành được Giải thưởng phải có những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội trong công tác bảo vệ môi trường; lan toả được những sáng kiến, phong trào; dẫn dắt các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường trong đời sống hiện nay.
Đồng thuận với các ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh; GS.TSKH.NGND. Phạm Ngọc Đăng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo; Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển;… cho rằng, các đơn vị ngoài nhiệm vụ lao động được phân công thì phải có những sáng kiến, sáng tạo; các hoạt động được cộng đồng xã hội ghi nhận. Các nhóm tổ chức thuộc các doanh nghiệp bên cạnh việc chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật của Nhà nước cần phải khẳng định mình trong việc đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng; có quy trình quản lý, sản xuất tiên tiến; có những sáng kiến đóng góp cho xã hội…
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh phát biểu tại cuộc họp
Tại Phiên họp, các thành viên Hội đồng đã cùng nhau thảo luận để tìm ra những đơn vị, tổ chức, cá nhân xuất sắc nhất trong các lĩnh vực đề cử, đảm bảo chặt chẽ, chính xác, khách quan, khoa học, hiệu quả.
Đến nay, hồ sơ các lĩnh vực đăng ký xét tặng được gửi về Ban tổ chức tập trung vào các nhóm nội dung: Quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; Giáo dục, đào tạo, truyền thông, tham vấn, tư vấn, phản biện, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục sự cố xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường; Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; Thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh cuộc họp
Đến nay, đã có 13 Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp có hồ sơ gửi tham gia Giải thưởng gồm các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công An, Quốc Phòng, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh.
Có 56 tỉnh, thành phố có hồ sơ gửi tham gia Giải thưởng. Trong đó, các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ gửi về là TP. Hồ Chí Minh (37 hồ sơ), TP. Hà Nội (11 hồ sơ), tỉnh Bình Dương (11 hồ sơ), TP. Đà Nẵng (8 hồ sơ).
Theo đánh giá, các hồ sơ đều tuân thủ đúng như mẫu hướng dẫn của Tổng cục Môi trường, gồm: Bản đăng ký, Bản báo cáo thành tích, các tài liệu chứng minh thành tích và hình ảnh, băng đĩa hình kèm theo. Hồ sơ kê khai khá đầy đủ, rõ ràng; chất lượng báo cáo thành tích khá chi tiết, có nhiều hình ảnh, băng đĩa hình, văn bản, tài liệu minh chứng kèm theo để làm rõ và đảm bảo tính tin cậy của báo cáo thành tích; nhiều hồ sơ in màu, đóng cuốn đẹp.
Để tổ chức xác minh thông tin việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, doanh nghiệp, Tổng cục Môi trường đã gửi Văn bản đến Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an); Thanh tra (Bộ Tài nguyên và Môi trường); các Cục Bảo vệ môi trường: miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; miền Nam (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) để đề nghị các đơn vị này rà soát, xác minh, cung cấp thông tin chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường từ năm 2017 trở lại đây đối với các tổ chức thuộc danh sách này thông qua việc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo monre.gov.vn