CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Đưa công tác quản lý về bảo vệ môi trường lên tầm cao mới

0

(TN&MT) – Sáng 29/7, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V.

tct.jpg
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại Hội thảo

Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ, sự cố gắng của các cấp, các ngành, sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ hiệu quả của bạn bè quốc tế, công tác bảo vệ môi trường của nước ta trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường tiếp tục được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tại các Bộ, ngành; khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường liên tục được tăng cường, mở rộng. Hình thành được một phương thức, tư duy quản lý mới các vấn đề môi trường, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát, làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm.

Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện nâng lên một bước. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nhiều phong trào, mô hình điển hình về bảo vệ môi trường đã đi vào cuộc sống, trở thành hành động và nếp sống của mọi người, mọi nhà và cộng đồng xã hội, ngày càng đóng góp thiết thực cho công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, nông thôn mới, sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường đã được triển khai thực hiện.

tc.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai các định hướng lớn về môi trường và phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là năm đầu tiên triển khai các quy định, chính sách mới, đột phá của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu COP26.

Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đã được nghe các báo cáo đề dẫn của 4 chuyên đề gồm: Công tác đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động đầu tư phát triển; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái; quản lý chất lượng các thành phần môi trường; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Từ đó, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất nhận thức và hành động trong công tác BVMT; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về BVMT trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tài, kết quả của Hội thảo chuyên đề ngày hôm nay sẽ là tiền đề quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 – 2022 và định hướng giai đoạn 2022 – 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường được trình bày tại Phiên toàn thể của Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V. Tổng Cục trưởng mong muốn, tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các cơ quan, Bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia trong sự nghiệp bảo vệ môi trường; đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2022 và các năm tiếp theo đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.