(TN&MT) – Ngành bao bì của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng lớn khi nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi trở lại, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sử dụng nhiều bao bì như nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến ngày càng có nhiều đơn hàng. Nhu cầu về bao bì chất lượng cao, bao bì thân thiện với môi trường cũng tăng theo do phải đáp ứng yêu cầu EPR và hàng rào thuế quan.
Theo ông Nguyễn Đức Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), ngành bao bì được cho là sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của thương mại điện tử, và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP… mà Việt Nam đã tham gia. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước ngày càng tăng, ngành bao bì đang có mức tăng trưởng bình quân khoảng trên 10%/năm.
Động lực tăng trưởng của ngành đến từ mảng bao bì đóng gói thực phẩm với gần một nửa thị phần. Riêng bao bì nhựa cũng phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 25%/năm (theo số liệu từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam), do ngành thực phẩm tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là các nước nhập khẩu đều tăng yêu cầu sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường đối với bao bì sản phẩm. Mặc dù ngành bao bì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu tình hình không thay đổi, rất có thể các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ mất thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài nếu không có chiến lược đúng về bao bì – ông Trung nhận định.
Chia sẻ về các yêu cầu quốc tế trong sản xuất bao bì, bà Agnieszka van Batavia – chuyên gia về các giải pháp bao bì bền vững và các quy định về bao bì (Tập đoàn Constantia Flexibles) cho biết: Doanh nghiệp cần chú ý đến yếu tố pháp lý liên quan đến bao bì khi thâm nhập thị trường, đặc biệt là những quy định về nhựa sử dụng một lần của EU, Canada, Trung Quốc. Các quốc gia này yêu cầu ngăn ngừa chất thải, thúc đẩy tái sử dụng, nhựa sinh học có loại được phép sử dụng và loại không được phép sử dụng.
Đặc biệt, EPR đang dần phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới do tác động hiệu quả đến nhà sản xuất. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm, trách nhiệm của họ mở rộng phạm vi đến việc quản lý chất thải sau tiêu dùng sản phẩm đó. Những chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sản phẩm phải được thu hồi, phân loại, tái chế sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. Quá trình này sẽ thúc đẩy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường và tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có quy định về EPR là một lực đẩy quan trọng khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành thực phẩm chuyển sang sử dụng bao bì thân thiện môi trường. Bởi lẽ, từ năm nay, các nhà sản xuất và nhập khẩu sản phẩm/hàng hóa sẽ có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT nhằm mục đích để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì.
Cùng với yêu cầu về mặt pháp lý, xu hướng bao bì thân thiện với môi trường được dự đoán sẽ “lên ngôi” cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lối sống xanh, giảm phát thải và BVMT. Trước tác động của biến đổi khí hậu, người tiêu dùng đang đặt nhiều quan tâm tới yếu tố BVMT trong sản phẩm của doanh nghiệp, chính vì vậy các thương hiệu cũng quan tâm nhiều hơn đến bao bì giấy, các chất liệu có thể tái chế và an toàn với môi trường xung quanh khi phân hủy. Việc hạn chế rác thải nhựa và nhiều quốc gia, khu vực sẽ ban hành lệnh hạn chế thậm chí cấm sử dụng túi nilon trên thế giới đang lan rộng và tăng cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn được thực hiện mạnh trong giai đoạn 2022 – 2025.
Theo bà Agnieszka van Batavia, chiến lược phát triển ngành hàng bao bì sẽ phải có sự phối kết hợp của các bên liên quan, từ sản xuất đến thu gom tái chế cũng như hoàn thiện cơ chế quản lý, xử phạt. Các nhà sản xuất sản phẩm, nhà sản xuất bao bì cần đổi mới tư duy, hạn chế tối đa sử dụng bao bì hoặc đa dạng loại hình tái chế, tái sử dụng bao bì, có hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng hướng vào mục đích khác sau khi sử dụng xong sản phẩm bên trong… Doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc thêm với các viện nghiên cứu, trường đại học có các nghiên cứu về các bao bì nhựa để có các cơ sở khoa học, thông tin tốt hơn phục vụ việc thiết kế, lựa chọn chất liệu bao bì sản phẩm.
Việc doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược bao bì phù hợp với nhu cầu khách hàng và điều kiện thực tiễn, qua đó tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao vị thế doanh nghiệp trên khía cạnh BVMT, giảm phát thải và uy tín xã hội.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/