CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý chất thải sinh hoạt khu dân cư

0

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nông thôn Hà Tĩnh đã có sự thay đổi lớn, đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, tất cả các xã đều nâng mức độ đạt chuẩn, không còn xã dưới 11 tiêu chí, toàn tỉnh đã có trên 158 xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã sáng tạo tiêu chí 20 – Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Theo đó, tất cả các xã phải thực hiện, xã đạt chuẩn phải có khu dân cư NTM đạt chuẩn. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 283 khu dân cư kiểu mẫu, 3.380 vườn mẫu đạt chuẩn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Hiện trạng nước thải, rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn Hà Tĩnh

Với những mô hình kinh tế mới, nhiều khu dân cư giàu đẹp, yên bình mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Đây là minh chứng cho sự chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền, là sự phát huy và gắn kết nội lực trong nhân dân, đưa nhân dân trở thành chủ thể sáng tạo trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM, đưa công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra những giá trị mới, sản phẩm mới trong nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Một số xã NTM đã xây dựng thành công nhiều mô hình phân loại, xử lý rác thải rắn, nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình (các xã NTM đã phối hợp làm điểm một số mô hình trong năm 2018 như Tượng Sơn, Nam Hương, Thạch Điền, Thạch Tiến, Hương Trà, Tiên Điền, Tùng Ảnh…), kết quả bước đầu các xã đã xây dựng mô hình điểm thuộc khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó, điển hình là xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà đã xây dựng được nhiều mô hình phân loại, xử lý chất thải tại nguồn trên địa bàn xã và đang có kế hoạch triển khai trên toàn xã. Về huyện điển hình Nghi Xuân, tại đây, người dân trên địa bàn toàn huyện đã thường xuyên được giáo dục về pháp luật BVMT, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ô nhiễm chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho Hà Tĩnh, với dân số sống tại nông thôn hơn 1 triệu người, chiếm trên 72%. Theo ước tính, mỗi ngày, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh nông thôn khoảng 700 tấn/ngày với tỷ lệ thu gom xử lý đạt 70%, lượng nước thải khoảng 83.000 m3/ngày đêm, nhưng phần lớn chưa được xử lý đúng quy định. Hệ thống thoát nước thải của nhiều xã chưa được quan tâm đầu tư. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lý nước thải chưa cao, chưa có các quy chế, quy định về quản lý, thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt nông thôn, tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường tại các xã vẫn còn phổ biến.

Về rác thải sinh hoạt nông thôn, chủ yếu phát sinh từ 3 nguồn chính: Rác thải sinh hoạt hàng ngày (mỗi ngày lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 700 tấn); rác thải từ sản xuất trồng trọt (hàng năm, phát thải một lượng phụ phẩm xấp xỉ 700.000 tấn, chủ yếu là rơm rạ, hiện mới chỉ sử dụng khoảng 60% làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, chất độn chuồng, tủ gốc, số còn lại đang bị đốt hoặc bỏ, gây lãng phí nguồn tài nguyên và phát thải khí nhà kính), chất thải chăn nuôi (hiện toàn tỉnh có khoảng 122.821 hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò nằm trong các khu dân cư, phần lớn chưa có hệ thống xử lý chất thải đúng quy định. Tổng khối lượng chất thải sẽ thải ra trên 1 triệu tấn/năm nhưng chỉ có khoảng 60% được xử lý).

Đối với nước thải sinh hoạt nông thôn, chủ yếu phát sinh từ các nguồn như nước thải sinh hoạt hàng ngày, nước thải chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làng nghề, cơ sở giết mổ tập trung… Hiện có hơn 30 cơ sở giết mổ tập trung nhưng chỉ có khoảng 65% gia súc, gia cầm được đưa vào giết mổ. Tình trạng giết mổ không theo quy định đã làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản đang phát sinh những yếu tố gây ô nhiễm môi trường như: Việc xả nước các hồ nuôi trồng chưa qua xử lý; tình trạng nhiễm dịch bệnh trong nuôi trồng, việc kinh doanh, chế biến thủy sản chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng đang gây ra ô nhiễm môi trường cục bộ.

Hiện nay, Hà Tĩnh có 25 làng nghề nhưng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chưa được đầu tư đúng quy định, việc ứng dụng khoa học – công nghệ còn hạn chế, nhận thức của người dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề BVMT còn thấp, ý thức trách nhiệm trong sản xuất và sinh hoạt còn yếu. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 211 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, 4 Công ty môi trường đô thị thực hiện thu gom tại địa bàn TP. Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh và huyện Nghi Xuân. Tỷ lệ thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đạt 70%, khu vực thành thị đạt 90%. Hai nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động, với công suất thiết kế 700 tấn/ngày đêm, gồm: Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên với công suất 200 tấn/ngày; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh với công suất 240 tấn/ngày và 6 bãi chôn lấp, chủ yếu là nơi đổ rác chưa được đầu tư công nghệ xử lý chôn lấp hợp vệ sinh, vì vậy, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn. Mặt khác, tỉnh có 3 lò đốt chất thải sinh hoạt đang hoạt động với công suất mỗi lò từ 8-10 tấn/ngày gồm: Lò đốt SANKYO tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và 2 lò đốt do địa phương tự đầu tư xử lý (gồmlò đốt SANKYO tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà và lò đốt rác tại xã Phù Việt, huyện Thạch Hà).

Mặc dù, đã được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý rác thải, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tổ chức tham quan một số địa phương đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung như Ninh Bình; Thái Nguyên, tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống xử lý thu gom nước thải tập trung cao và phải có kỹ thuật vận hành, kinh phí duy trì hàng năm. Do đó, công tác phân loại CTR tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mô hình, việc tái chế, tái sử dụng chưa được chú trọng. Tỷ lệ thu gom, xử lý CTR ở khu vực nông thôn còn thấp, dẫn đến lượng rác thải tập trung về các điểm tập kết và các điểm xử lý cao, gây quá tải cho các điểm tập kết, bãi rác, điểm xử lý rác, chi phí để vận chuyển và xử lý rác cao, gây gánh nặng cho ngân sách nhà nước và người dân.

Giải pháp về quản lý và kỹ thuật tiếp cận từ cộng đồng

Trước thực trạng đó, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nghiên cứu đề tài “Đồng bộ hóa quản lý và kỹ thuật trong xử lý rác và nước thải sinh hoạt trong khu dân cư”, trong đó rác thải sinh hoạt được thu gom, phân loại tại chỗ, nước thải sinh hoạt thí điểm thực hiện theo phương án thu gom xử lý nhỏ lẻ tại chỗ với công nghệ đơn giản, dễ áp dụng, chi phí thấp và phù hợp với khu vực nông thôn.

Kết quả đề tài cho thấy, để xử lý rác và nước thải sinh hoạt cần các giải pháp quản lý như: Tuyên truyền, giáo dục để hình hành ý thức về BVMT từ gia đình và cộng đồng; Xây dựng quy chế quản lý và sự tham gia của các bên liên quan phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm huy động sự tham gia và đồng bộ hóa công tác quản lý và kỹ thuật trong quản lý phân loại xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt; Xây dựng bổ sung chỉ số cứng phân loại, xử lý nước thải, rác thải tại nguồn vào tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM; Xây dựng dự thảo về chế tài xử phạt hành vi vi phạm về xả thải chưa qua xử lý (thể hiện qua quy định BVMT địa phương/hương ước). Đồng thời, khen thưởng các mô hình điển hình, địa phương điển hình trong thực hiện; Ban hành các chính sách đồng hành (hiện Hà Tĩnh đã ban hành Đề án “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất phân hữu cơ vi sinh giai đoạn 2014 – 2016, định hướng đến năm 2020“; Nghị quyết số 32/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM và chỉnh trang đô thị Hà Tĩnh năm 2017 – 2018; Nghị quyết số 79/2017/NQ-HĐND về một số chính sách BVMT giai đoạn 2018 – 2020…)…

Ngoài ra, kết quả về các giải pháp kỹ thuật trong đề tài cũng cho thấy, phân loại xử lý rác thải tại nguồn tại nông thôn Hà Tĩnh có thể thực hiện theo 2 hình thức: Phân loại và xử lý tại hộ gia đình hoặc theo hình thức tập trung ở các khu sản xuất nông nghiệp; Xử lý sinh học rác thải hữu cơ dựa vào hoạt động phân huỷ của vi sinh vật nhằm phân hủy nhanh chất hữu cơ của rác. Theo đó, rác thải được phân loại thành rác tái chế, rác khó phân hủy và dễ phân hủy. Sau đó, hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất sẽ tập trung rác hữu cơ tại các khu sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chất thải chăn nuôi để ủ với chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ vi sinh với khối lượng lớn, lượng phân bón này sẽ phục vụ lâu dài cho sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đốt bỏ, hạn chế được ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Hiện các địa phương xây dựng NTM trên toàn tỉnh đã và đang thực hiện trên diện rộng các biện pháp thu gom xử lý chất thải tại nguồn đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng NTM ngày càng văn minh, sạch đẹp, tạo cho người dân nông thôn Hà Tĩnh có được ý thức BVMT, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường.

Về mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, đề tài khuyến khích sử dụng hoạt động kỵ khí của các vi sinh vật hữu ích và các enzym phân hủy xử lý chất hữu cơ trong nước thải (các vi sinh vật phân hủy các chất hữu cơ, huyền phù, enzyme phân hủy các loại chất mà vi sinh vật khó phân hủy như dầu mỡ, kitin, xà phòng… có trong nước thải). Đối với xử lý nước thải tại hộ gia đình: Xây dựng, lắp đặt các bể xử lý theo các hình thức composite, ống bê tông, xây gạch 3 ngăn với cơ chế bể vệ sinh tự hoại. Đối với xử lý nước thải xử lý cho nhóm hộ (5 – 10 hộ): Xây dựng, lắp đặt các bể xử lý theo các hình thức composite và bê tông. Kết quả bước đầu của việc xây dựng mô hình thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình cho thấy, nước thải đầu ra sau xử lý trong hơn, mùi hôi thối giảm rõ rệt; các hộ dân được xây dựng mô hình rất tâm đắc thực hiện xây dựng mô hình xử lý nước thải; cần tiếp tục đánh giá kết quả, nghiên cứu thử nghiệm phân tích mẫu nước đầu vào, đầu ra, tính toán thể tích, thời gian lưu xử lý phù hợp với từng quy mô hộ gia đình và nhóm hộ.

Như vậy, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt nông thôn, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp. Đặc biêt, cần xây dựng các mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng.

CEID

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.