(TN&MT) – Mô hình đổi rác lấy quà đã và đang được nhân rộng trên địa bàn Hà Nội khiến những ngày nghỉ cuối tuần trôi nhanh hơn và ý nghĩa hơn.
Ngày hội ở Vinhomes Smart City
Cuối tuần vừa qua có gì ở Vinhomes Smart City (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) mà đông vui thế? Câu hỏi này chỉ dành cho khách, còn Ban Quản lý các tòa nhà, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) – Chi nhánh Cầu Diễn (Urenco 7) cùng cư dân Vinhomes Smart thì chẳng lạ gì lý do. Bởi họ chính là chủ nhân “khuấy đảo” khu đô thị này trong ngày hội Go Green – đổi rác lấy quà.
Go Green là một hoạt động trong Dự án Sống Xanh của Vinhomes nhằm triển khai các giải pháp lâu dài hướng tới mục tiêu xây dựng Khu Đô thị Xanh/Cộng đồng Cư dân Xanh, góp phần bảo vệ môi trường; Nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân Vinhomes trong việc phân loại rác tại nguồn, thu gom rác tái chế, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên và giảm tác động ô nhiễm đến môi trường; Phát huy sự tham gia của cộng đồng cư dân trong việc thu gom, phân loại chất thải có thể tái chế để vận chuyển đến nơi quản lý, tái chế theo quy định. Bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường sống, Vinhomes đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng cư dân văn minh, hiểu biết và tuân thủ pháp luật mà trong câu chuyện này là Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Chung ý chí và hành động, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) trong vai trò đơn vị xử lý chất thải trên địa bàn Hà Nội trên con đường thực hiện mục tiêu phân loại rác tại nguồn đã gặp người bạn đồng hành Vinhomes. Hiện Urenco đã và đang phối hợp cùng Pro, Unilever, Nestle.. thực hiện Dự án Phân loại rác tại nguồn, áp dụng tại Hà Nội và một số thành phố lớn trên cả nước thông qua Green Day. Trên chặng đường hiện thực hóa ước mơ, thêm một người bạn đồng hành là thêm một quyết tâm, thêm nhiều hành động. Nhiều hành động gặp nhau trong một quyết tâm đã mang đến những ngày cuối tuần ở Vinhomes không khí sôi động không khác gì ngày hội.
Nếu như những người phụ trách Go Green có mặt từ rất sớm thì cư dân Vinhomes Smart City cũng từ bỏ giấc ngủ nướng để sớm có mặt tại điểm đổi quà. Rất đông các thành phần cư dân với đủ lứa tuổi khác nhau. Thời gian đổi quà theo thông báo của Ban Tổ chức và Ban Quản lý tòa nhà là từ 9 – 11h, tuy nhiên, nhiều người đã có mặt từ trước 8h sáng và 11h vẫn có người mang rác tới.
Hơn 1 tấn rác tái chế các loại là khối lượng thu được trong 3 tiếng đồng hồ. Đó là chưa kể một số cư dân để dành phiếu nhận quà cho buổi sau để nhận được món quà mình cần, thay vì nhận quà đang sẵn có.
Sẽ thấy, các cụ già thường đổi sữa mang về cho cháu, các chị các mẹ tập trung nhiều ở mấy món sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng. Trẻ lớn thì chăm chăm vào các túi vải trang trí bắt mắt, trên in những thông điệp bảo vệ môi trường, còn trẻ bé hơn thì tập trung vào nhóm truyện tranh.
Trẻ con ở đây không chỉ biết nhận quà. Các con đã mang đến ngày hội một câu chuyện vô cùng thú vị và ý nghĩa.
“Yêu nước tức là phải yêu môi trường”
Trần Nhật Minh 6 tuổi, con đi cùng bố mẹ nhưng tự dành lấy nhiệm vụ xách túi rác, tự tay con trao rác cho các cô và mang phiếu đi nhận quà. Món quà mà Nhật Minh yêu thích là những cuốn truyện tranh. Có lẽ được nuôi dưỡng trong một gia đình có ý thức bảo vệ môi trường nên Nhật Minh nhận thức khá tốt. Con bảo: “Rác vứt vào thùng thì ra bãi rác, nhưng rác mang ra đây đổi thì thành quà. Con đổi rác lấy quà là để làm sạch môi trường, còn giúp bố mẹ tiết kiệm tiền mua đồ cho con nữa”.
Bùi Tuệ Nhi chuẩn bị vào lớp 1, ríu rít như một con chim sẻ. Con tự nhận mình là Su đồng nát. Lý do có cái tên này, theo mẹ của Su (chị Trần Thị Tuyết) là do ở bất cứ chỗ nào, thấy ai bỏ chai lọ nhựa, giấy vụn ra xung quanh là Su nhặt lấy cất đi. Tuệ Nhi có cô em gái tên Linh. Su bảo “Sau này Linh cũng nhặt rác như con và Linh cũng sẽ là Linh đồng nát. Con xếp hàng có nắng một tí nhưng được nhận quà con vui lắm, tuần sau nếu có đổi rác nữa thì con lại đến”.
Nguyễn Hoàng Gia Thịnh lại mang đến ngày hội một thái độ cực kỳ nghiêm túc với chiếc áo màu cờ đỏ, trước ngực là ngôi sao vàng và sau lưng là dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Gia Thịnh nói rằng “Ở trường cô giáo dạy con phải biết giữ môi trường sạch sẽ bằng việc không vứt rác bừa bãi. Gần đây đi đổi rác, con được biết thêm là muốn giữ môi trường sạch sẽ thì không những phải vứt rác vào thùng mà còn không được vứt chai nhựa, vỏ lon, giấy loại vào thùng vì những thứ đó sẽ gây ô nhiễm và rất lâu mới tan biến”. Được hỏi vì sao lại mặc áo cờ Tổ quốc, Gia Thịnh từ tốn giải thích: “Hôm nay con chọn chiếc áo này ý là con muốn nói yêu nước tức là phải yêu cả môi trường nữa”.
Khi 3 chữ “nhận” gặp nhau
Không thể phủ nhận việc một đô thị lõi của khu vực theo mô hình thành phố quốc tế với hệ sinh thái sống chuẩn, không gian sống xanh, tiện ích, thông minh như Vinhomes đã thu hút khá đông dân cư có nhận thức văn hóa cao. Với mục tiêu trở thành “thỏi nam châm”, bên cạnh đáp ứng các nhu cầu tiện ích, Vinhomes còn tham vọng hình thành một nếp sống văn minh bền vững hướng tới các giá trị Sống Xanh bằng việc tích cực tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Sống Xanh đã xanh hóa suy nghĩ, xanh hóa nhận thức và xanh hóa hành động của mỗi người trong mục tiêu phân loại rác mà đổi rác lấy quà là hoạt động thúc đẩy.
Cái bắt tay của Vinhomes và Urenco là phép cộng cho thành công. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến, sâu xa hơn, thành công còn phụ thuộc ở việc gặp nhau của 3 chữ “nhận”.
Chữ nhận đầu tiên là nhận trách nhiệm của người xả rác (cụ thể là cư dân) và trách nhiệm của Vinhomes cùng Ban Quản lý trước yêu cầu bảo vệ môi trường và trách nhiệm của những người thực thi nhiệm vụ xử lý rác thải. Trách nhiệm này sẽ được ràng buộc bởi pháp luật và nếu không tạo thành một thói quen mặc định thì khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa vào áp dụng mạnh mẽ, những người không thực hiện đúng trách nhiệm sẽ có thể bị đối mặt với việc không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm Luật.
Chữ nhận thứ hai là nhận lợi ích từ hoạt động bảo vệ môi trường khi thực hiện phân loại rác. Bên cạnh nhận được những lợi ích trước mắt bằng vật chất như quà, miễn phí thu gom xử lý rác thải đối với người xả rác; giảm áp lực thu gom xử lý rác đối với cơ quan xử lý rác thì cả đôi bên sẽ nhận được môi trường sống trong lành – là món quà vô hình không đo đếm bằng tiền.
Chữ nhận thứ ba là nhận thức của một con người – một công dân – chủ nhân của đất nước, thành viên không thể tách rời trong hệ sinh thái môi trường về ý thức bảo vệ môi trường kể cả khi không bị liên quan ràng buộc hay trách nhiệm (tham gia giải quyết các vấn đề về môi trường trong trường hợp không liên quan/ không phải do mình gây ra). “Chỉ khi ý thức của con người đủ sâu, trách nhiệm đủ lớn và pháp luật đủ nghiêm thì câu chuyện phân loại rác tại nguồn mới đi đến thành công. Và trong những nỗ lực không ngừng nghỉ, Green Day hay Go Green hay bất cứ một chương trình gì chăng nữa đều hướng tới thông điệp: Bảo vệ môi trường là hành động bắt buộc. Hành động hôm nay – tương lai ngày mai”.
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/