CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Đô thị di sản – Mô hình gắn phát triển với bảo tồn

0

Mô hình “đô thị di sản” có thể là phương án tốt để vừa gìn giữ các giá trị thiên nhiên sinh thái, văn hóa vừa phát triển kinh tế xã hội bền vững tại di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An. Đó là đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà – Học viện Khoa học xã hội.

* Di sản văn hóa Tràng An: Tài nguyên và thách thức

Di sản văn hóa quần thể Danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là vùng di sản có diện tích 6226ha và vùng đệm bao quanh, gồm 12 xã, vùng đệm gồm 20 xã, phường của 5 huyện và TP. Ninh Bình, TP. Tam Điệp, huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan. Bên cạnh đó, có 40 di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng 30 di tích khảo cổ học, được UNESCO công nhận danh hiệu “Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới” là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, Di sản văn hóa Tràng An có rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, nằm xen giữa các núi đá vôi, các khu vực đất ngập nước cùng hệ thống sông hồ bao quanh. Có sự đa dạng sinh học cao với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thuỷ vực, đa dạng về thành phần loài, đa dạng về nguồn gen, có nhiều loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.

Thực vật đa dạng phong phú với 134 họ và 384 chi, 577 loài khác nhau; động vật trên cạn bao gồm các giống loài quý hiếm: Khỉ, Sơn Dương, Tê Tê, Rắn có mào trên đầu, phượng hoàng đất,…; động vật thuỷ sinh trong vùng ngập nước bao gồm: 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy và loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ.

Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực, du lịch, công nghiệp,… cũng được coi là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, thông qua việc thực hiện khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hoá lịch sử Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An.

Tuy nhiên, không thể không kể đến những tác động tiêu cực, không mong muốn đến từ hoạt động du lịch của các di sản. Trong đó, sự phát triển nhanh chóng về số lượng du khách đến với Ninh Bình đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch và đe doạ tới vấn đề bảo tồn di sản theo khuyến nghị của UNESCO; quần thể danh thắng liên tục bị xâm hại bởi hàng loạt những công trình xây dựng trái phép ở cả vùng lõi và vùng đệm. Đáng chú ý, tại khu vực Hang Trâu và Hang Hạnh thuộc thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tràn lan những homestay trái phép mọc lên…

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tại khu di sản phát sinh nước thải, chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, nhất là mùa lễ hội, rác thải tăng đột biến, không được thu gom kịp thời tại một số nơi gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí. Hoạt động của các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay phát sinh nhiều nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến nguồn nước, tài nguyên đất tại khu Di sản.

Đồng thời, việc kinh doanh hoạt động du lịch gây xáo trộn cuộc sống, cấu trúc xã hội, cộng động địa phương,… làm gia tăng áp lực đối với loài bị đe doạ do các hoạt động săn bắt, nuôi bán động vật hoang dã, tăng nhu cầu chất đốt và cháy rừng (thuộc 30% rừng nguyên sinh và rừng đặc dụng tại Quần thể danh thắng Tràng An).

Từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên của di sản dẫn đến làm thay đổi cảnh quan, suy giảm hệ sinh thái, nơi ở các loài sinh vật bị mất đi, thoái hoá đất,…

Cần bảo tồn và phát huy di sản Danh thắng Tràng An gắn với phát triển bền vững (ảnh minh họa)

* Hình thành “đô thị di sản”

Hiện, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới được xác định là “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội” trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế riêng của địa phương, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Nghị quyết, Chủ trương về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản văn hoá; tập trung nguồn vốn cho phát triển văn hoá thông qua nguồn ngân sách Nhà nước, các dự án, chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Song, để bảo tồn và phát huy di sản danh thắng Tràng An gắn với phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Theo đó, Uỷ ban Quốc gia UNESCO cần tiếp tục hợp tác với Ninh Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản UNESCO và thực hiện “mô hình đô thị di sản” trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về môi trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường; lắp hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí xung quanh để dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí tại khu Di sản.

Tiếp đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của cộng đồng cư dan vùng di sản về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát huy các giá trị di sản trong phát triển du lịch; thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường Di sản, nhất là di sản thiên nhiên quần thể Danh thắng Tràng An theo Quy định của Luật Bảo vệ môi trường để dự báo các tác động xấu đến môi trường khu di sản, đưa ra các giải pháp phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục vụ cho sự phát triển bền vững di sản văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.