Sáng 27/9, tại TP.Vũng Tàu, ngay sau Lễ công bố và phát động Cuộc thi viết “Cùng giữ màu xanh của biển” lần thứ I – năm 2020, Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Diễn dàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường lần thứ IV – năm 2020.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Diễn đàn “Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ IV – năm 2020
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng: Việc tạo ra một diễn đàn thường niên để các Nhà quản lý – Nhà báo – Doanh nghiệp cùng chia sẻ thông tin, ý kiến và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biển đảo; thúc đẩy sự hợp tác nghề nghiệp giữa nhà quản lý, nhà báo với doanh nghiệp, doanh nhân là nhu cầu tất yếu.
Các sự kiện này sẽ góp phần hỗ trợ các nhà báo trang bị thêm kiến thức và tư duy về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình tác nghiệp. Từ đó, đóng góp tích cực vào sự nghiệp quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng như góp phần thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp phát triển theo hướng “xanh và bền vững”.
Nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, phong trào “Chống rác thải nhựa”; do Thủ tướng Chính phủ phát động trên toàn quốc cách đây hơn một năm là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của Thủ tướng, Chính phủ, của hệ thống chính trị, từ việc ban hành các chính sách đến các đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như thay đổi nhận thức trong cộng đồng và từng người dân. Đặc biệt, ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Hiện nay, các Bộ, ngành đề ra Chương trình hành động cụ thể để giảm thiểu chất thải nhựa theo từng lĩnh vực phụ trách.Trong đó sẽ tập trung vào thực hiện 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) chất thải, coi chất thải được phân loại là tài nguyên.
Ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Là một quốc gia biển với đường bờ biển trải dài theo suốt chiều dài của đất nước, diện tích biển Việt Nam rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, biển có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát triển đất nước. Quản lý tốt khai thác, bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, cùng giữ màu xanh của biển, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
Trong những năm qua, với chức năng là cơ quan quản lý tổng hợp, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách để quản trị biển, bảo vệ môi trường, khai thác tiền năng lợi thế của biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển. Đặc biệt ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; để góp phần tuyên truyền Nghị quyết sâu rộng đến các tầng lớpnhân dân với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Đối với cấp độ địa phương, bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Phát triển kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường mới có thể phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, các dự án đều được tỉnh cân nhắc về các vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn tuyệt đối nguồn nước, công nghệ sản xuất phải hiện đại khi xem xét chủ trương đầu tư.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải nhựa. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh để hưởng ứng phát động của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN& MT.
Chia sẻ thêm về phong trào chống rác thải nhựa tại địa phương, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, các địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa”. Từ đó, phong trào đã được triển khai rộng khắp với nhiều hoạt động phong phú, nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo người dân, doanh nghiệp trong việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông và các sản phẩm chế xuất từ nhựa, đồng thời tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lần…
Mỗi nhà báo là nhà hoạt động môi trường
Tại Diễn đàn, KTS. Nhà báo Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng TW Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng: Vai trò dẫn dắt, tuyên truyền của báo chí, của truyền thông là vô cùng quan trọng. Bởi mỗi nhà báo là một nhà hoạt động vì môi trường. Thực tế đã cho thấy, rất nhiều vụ phá rừng, ô nhiễm môi trường biển, ô nhiễm nguồn nước…được báo chí phát hiện sớm nhất trước khi cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc.
Theo nhà báo Phạm Thanh Tùng, những phóng sự, bản tin, hình ảnh được đăng tải trên báo giấy, báo điện tử, truyền hình, phát thanh…có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi nhận thức, ý nghĩa của xã hội và động viên người dân cùng chung tay tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.
Nhà báo Văn Hào, Thông tấn xã Việt Nam thì đặt vấn đề: Phải làm sao để báo chí thể hiện vai trò khơi gợi được ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên của người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc phản ánh những hành vi sai phạm, báo chí cần tăng thời lượng tuyên truyền những điển hình, những mô hình làm tốt công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền – Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Diễn đàn
Đánh giá công tác tuyên truyền trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền – Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền tuy đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về tài nguyên và môi trường cần chú ý tuyên truyền các quan điểm của Đảng về công tác quản lý tài nguyên và môi trường đã được nêu trong dự thảo Văn kiện Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trách nhiệm quản lý địa bàn của đội ngũ cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường…
Doanh nghiệp “hiểu” tài nguyên không là vô tận
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland cho biết: Chúng tôi luôn ý thức nguồn tài nguyên thiên nhiên là không vô tận. Với mục tiêu tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững, chiến lược của Novaland là tập trung đầu tư vào các dự án xanh và bền vững ngay từ giai đoạn chọn lựa dự án đầu tư, thiết kế, cho đến giai đoạn thi công và vận hành.
Ông Huy cũng cho biết, Novaland là một trong những doanh nghiệp bất động sản tiên phong áp dụng hệ thống công trình xanh EDGE của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới trong thiết kế và thi công dự án, với mục tiêu giảm tối thiểu 20% đối với nguồn vật liệu, điện, nước…
Đại diện lãnh đạo Công ty Hyosung Vina Chemicals, nhà đầu tư nước ngoài, chủ đầu tư của Dự án Nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Kho ngầm chứa khí dầu mỏ LPG và Dự án Cảng Hyosung Vina Chemicals tại Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định: Một trong các chính sách cơ bản của Công ty là luôn đặt công tác an toàn, môi trường, phòng cháy chữa cháy lên hàng đầu. Trong đó, việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của nước sở tại được doanh nghiệp tuân thủ triệt để.
Ngoài ra, tại Diễn đàn, các doanh nghiệp cũng trình bày một số vướng mắc khó khăn trong công tác thực thi pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường khi triển khai dự án kinh doanh. Qua đó, mong nhận được sự tháo gỡ kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan báo chí đồng hành, ủng hộ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh…
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tặng hoa các doanh nghiệp đồng hành cùng các sự kiện truyền thông do Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu
Phát biểu tổng kết Diễn đàn, ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường đã cảm ơn và ghi nhận các ý kiến phát của các đại biểu. Đây là những trao đổi thiết thực, tâm huyết từ thực tiễn quản lý, sản xuất kinh doanh, hoạt động báo chí. Qua diễn đàn, tiếp tục khẳng định “Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường” không chỉ là khẩu hiệu mà đã biến thành ý thức, thành hành động thực tiễn từ cơ quan quản lý nhà nước lan tỏa đến các doanh nghiệp và từng người dân. Và đội ngũ phóng viên, nhà báo, các cơ quan báo chí truyền thông đã có đóng góp không nhỏ trong quá trình chuyển biến ý thức quan trọng đó.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký cam kết thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Thay mặt Ban Tổ chức, Tổng biên tập Hoàng Mạnh Hà đã trân trọng cảm ơn lãnh đạo Bộ TN&MT; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tạo điều kiện để Báo Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các đơn vị liên quan tổ chức thành công Diễn đàn.
Sáng 28/9, nằm trong chuỗi sự kiện truyền thông môi trường tổ chức tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tổ chức Lễ ra quân Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2020 và trao bồn nước cho ngư dân; Lễ ra quân “Làm sạch biển” và trao thùng đựng rác cho địa phương.