CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Diễn biến về đa dạng sinh học

0

Trong năm 2019, số lượng các khu bảo tồn, khu Ramsar ở nước ta tiếp tục gia tăng. Hiện nay, cả nước có 172 khu bảo tồn với tổng diện tích 2.493.843,67 ha, gồm 33 vườn quốc gia; 65 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan (tăng 06 khu bảo tồn so với năm 2015 với tổng diện tích tăng thêm là 66.693,67 ha); 09 khu Ramsar với tổng diện tích 120.549 ha; 10 Vườn di sản ASEAN (tăng 04 Vườn di sản ASEAN so với năm 2018); 10/16 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích là 187.810,93 ha, chiếm 0,19% diện tích vùng biển Việt Nam; 09 khu vực được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với tổng diện tích là 4.253.108 ha.

Đến nay, Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá ở nước ngọt; trên 11.000 loài sinh vật biển. Việt Nam thuộc một trong các Trung tâm có nguồn gen cây trồng và vật nuôi địa phương đa dạng của thế giới, gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng, và là nguồn gốc của khoảng 40 giống vật nuôi. Các giống vật nuôi và cây trồng đã được phát triển qua hàng trăm năm và có các đặc điểm di truyền có giá trị. Đây chính là những nguồn gen bản địa quý của Việt Nam cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát triển. Số lượng các nguồn gen quý hiếm được lưu giữ, bảo tồn tiếp tục gia tăng với 45.974 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, 3.727 nguồn gen cây dược liệu, 887 giống vật nuôi, 207 giống thủy sản và 21.393 chủng vi sinh vật được lưu giữ.

Tuy nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên tiếp tục bị thu hẹp diện tích, xuống cấp về chất lượng, đặc biệt là các hệ sinh thái đất ngập nước, núi đá vôi, bãi bồi cửa sông ven biển,… làm mất nguồn cung cấp nước ngầm, nơi sinh sản, phát triển, cư trú của các loài sinh vật. Số loài và số cá thể các loài hoang dã giảm mạnh, nhiều loài bị săn bắt, khai thác, buôn bán trái phép nên nguy cơ bị tuyệt chủng cao như loài Giải sin-hoe (Rùa hồ gươm), loài này hiện chỉ còn 03 cá thể sống được biết đến trên thế giới trong đó có 01 cá thể ở Trung Quốc và 02 cá thể ở Việt Nam; các loài thú lớn khác như VoiHổ, Mèo lớn, Gấu, Tê tê cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng. Từ năm 2014 đến 2018, đã phát hiện 344 loài mới gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật; tuy nhiên, các loài mới được phát hiện lại phải đối mặt với những nguy cơ rất lớn, số loài cần được ưu tiên bảo vệ cũng gia tăng.

Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 đạt 41,89%, tăng 0,24% so với năm 2018 (Biểu đồ 12 Phụ lục II), đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2019; trong năm 2019 đã trồng 239.152 ha rừng, 63,5 triệu cây phân tán các loại. Diện tích rừng bị thiệt hại do phá rừng trái phép là 578 ha, giảm 10 ha (2%) so với năm 2018. Năm 2019 đã xảy ra 292 vụ cháy rừng (tăng 117 vụ, tương ứng 67% so với năm 2018), diện tích rừng bị thiệt hại là 1.997 ha rừng các loại, tăng 1.649 ha so với cùng kỳ năm 2018. Cháy rừng cũng là nguồn phát thải làm gia tăng mạnh lượng khói bụi, khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong năm 2019. Căn cứ hệ số phát thải, ước tính lượng CO2e phát sinh vào khí quyển do cháy rừng năm 2019 là 55,3 nghìn tấn.

Nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.