Qua kết quả quan trắc và tính toán chỉ số chất lượng nước (WQI) năm 2019 cho thấy, chất lượng nước tại khu vực thượng nguồn của các lưu vực sông (LVS) đều duy trì khá tốt, ô nhiễm ghi nhận ở khu vực trung lưu và hạ lưu, tập trung tại một số khu vực của các LVS: Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai (Biểu đồ 8 Phụ lục II). Ô nhiễm trên các LVS chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.
Ô nhiễm nước trên sông Nhuệ và các sông nội thành Hà Nội có sự cải thiện so với năm 2018, tuy nhiên mức độ ô nhiễm vẫn còn cao, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng khi giá trị thông số hữu cơ (COD, BOD5) và dinh dưỡng (NH4+,NO2–) khá cao, vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) nhiều lần (Biểu đồ 9, Biểu đồ 10 Phụ lục II). Nguyên nhân là do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt của Tp. Hà Nội qua sông Tô Lịch và nước thải của các làng nghề Hà Nội (làng nghề lụa Vạn Phúc, làng nghề miến Cự Đà). Tình trạng ô nhiễm nước mặt tại một số khu vực từ những năm trước vẫn tiếp tục diễn ra, chưa được xử lý dứt điểm, điển hình là sông Ngũ Huyện Khê đoạn chảy qua làng nghề giấy Phong Khê (điểm cầu Đào Xá), tỉnh Bắc Ninh; trên sông Cầu đoạn giáp ranh giữa Bắc Ninh – Bắc Giang… đều có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị các thông số COD, BOD5, NH4+, NO2– vượt giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Biểu đồ 11 Phụ lục II). Nguyên nhân là do tiếp nhận nước ô nhiễm từ sông Ngũ Huyện Khê; nước thải sinh hoạt của Tp. Thái Nguyên, Tp. Sông Công và các cơ sở sản xuất, làng nghề dọc sông Cầu, trong đó chủ yếu loại hình sản xuất giấy.
Tại các điểm nóng ô nhiễm môi trường nước khác như sông Bắc Hưng Hải qua địa bàn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương; sông Châu Giang chảy qua xã Yên Bắc (khu vực chợ Lương), huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; suối Loàng, suối Bóng Tối qua tỉnh Thái Nguyên thuộc lưu vực sông Cầu; khu vực cầu Ông Buông (kênh Tân Hóa – Lò Gốm) và cầu An Lộc (kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật) trên sông Sài Gòn... cũng có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, giá trị các thông số hữu cơ (DO, COD, BOD5), chất dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2) đã vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt cho phép. Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, của các cơ sở, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường tiếp nhận.
Chất lượng nước dưới đất vẫn duy trì khá tốt, tuy nhiên, một số khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ có hiện tượng ô nhiễm cục bộ chất dinh dưỡng và kim loại nặng. Ô nhiễm môi trường nước xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, kết quả quan trắc tại đầu nguồn sông Hồng, thượng nguồn sông Hậu, chất lượng nước sông có dấu hiệu ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ (COD, BOD5), tăng nhẹ qua các năm.
Hiện tượng xâm nhập mặn tại các khu vực ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang diễn ra trên diện rộng. Kết quả quan trắc 42 điểm với 535 mẫu đất ở 3 miền Bắc, miền Nam, miền Trung trong giai đoạn từ 2010 – 2019 cho thấy, từ năm 2013 độ mặn của đất có xu hướng tăng, đỉnh điểm là năm 2016, trong đó có 17/42 điểm có nguy cơ bị nhiễm mặn nặng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, gây tác động xấu tới chất lượng nước, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trong năm 2019, tình trạng triều cường gây úng ngập các khu vực đô thị ở Nam Bộ tiếp tục diễn ra, nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Nguồn Monre.gov.vn