Ngày 27/11, tại Quảng Ninh, Tạp chí Môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về việc đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường của các cơ quan báo chí.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm thông tin và Dữ liệu môi trường phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, đại diện doanh nghiệp và hơn 20 phóng viên các cơ quan báo chí theo dõi lĩnh vực môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm thông tin và Dữ liệu môi trường cho biết, truyền thông về bảo vệ môi trường (BVMT) giữ một vai trò quan trọng. Những thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tạo định hướng và tư duy mới trong xã hội về công tác BVMT. Từ đó, các doanh nghiệp đã dần ý thức được trách nhiệm của mình về việc thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu |
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 16 Chương, 171 Điều, đã quy định về hoạt động BVMT, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện. Theo đó, các chính sách của nhà nước về BVMT cũng đã được quy định trong luật BVMT sửa đổi, trong đó có tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.
PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường chia sẻ tại hội thảo |
PGS. TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường đã phổ biến về những điểm mới trong Luật BVMT (sửa đổi) về bồi thường thiệt hại về môi trường như bổ sung nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, quy định chủ thể có trách nhiệm về yêu cầu bồi thường, bổ sung thêm phương thức giải quyết bồi thường, chi phí xác định thiệt hại…Bên cạnh đó, việc giám sát xã hội của cộng đồng dân cư về hoạt động BVMT cũng cần được chú trọng.
Quang cảnh buổi Hội thảo |
Bên cạnh đó, TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ ra những thách thức cho nhà báo môi trường như áp lực thương mại của báo chí, áp lực kinh tế của người viết, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường.
Để giải quyết các thách thức trên, Nhà báo Trần Bá Dung đề xuất, các cơ quan quản lí nhà nước về môi trường cần có bộ phận chuyên trách có kĩ năng hợp tác với báo chí trong cung câp thông tin, xử lí thông tin một cách chuyên nghiệp. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cung câp thông tin. Đào tạo nhà báo chuyên ngành về BVMT.
Theo baotainguyenmoitruong.vn