Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM khiến cho tình trạng môi trường trở nên căng thẳng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí (chủ yếu là hàm lượng bụi) tại 2 TP này đã vượt quy chuẩn cho phép 1-2 lần. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, các nút giao thông trọng điểm, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép…
Hiện nay tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và chưa được cải thiện so với giai đoạn trước. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Các khu công trường xây dựng cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm bụi và phạm vi ô nhiễm chủ yếu là cục bộ. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt tại các trạm ven đường giao thông. Bên cạnh đó là vấn đề bụi mịn, yếu tố có tác động nguy hại đáng kể đối với sức khỏe người dân. Tỷ lệ bụi mịn (PM2,5 và PM1) ở mức khá cao, đặc biệt ghi nhận vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô.
Đối với bụi thô, nồng độ đã vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam từ 2 – 3 lần. Loại bụi này thường tập trung cao ở những trục đường giao thông của đô thị lớn, nhất là đô thị loại đặc biệt và loại 1.
Nỗi lo đến từ các phương tiện giao thông
Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 5 nguồn. Đó là từ hoạt động giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, sản xuất nông nghiệp và làng nghề, chôn lấp và xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu.
Tại buổi Tọa đàm “Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Lựa chọn nào cho tương lai?” diễn ra tại TP.HCM, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng phòng Ô nhiễm không khí của Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) khẳng định: Cũng như các đô thị, thành phố lớn khác, khí thải từ mô tô, xe máy đang là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất cho TP.HCM. Cụ thể, mô tô, xe máy “góp” 90% lượng CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi , 29% NOx.
Các quan trắc khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra tại 20 vị trí khác nhau ở TP HCM cho con số đáng lo ngại. Cụ thể, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra với hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép. Những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, tập trung ở các khu vực ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái (Q.2); khu vực đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã sáu Gò Vấp…
Còn ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Một khảo sát vào cuối tháng 1/2019 tại nhiều điểm ở Hà Nội cũng ghi nhận chất lượng không khí (AQI) có lúc gần chạm mức nguy hiểm, trong đó nhiều nhất là bụi mịn PM 2.5. Báo cáo xác định thời điểm ô nhiễm không khí cao nhất thường tại Hà Nội xuất hiện vào buổi sáng (từ 7-8h), buổi chiều (18-19h) và giảm xuống thấp nhất vào ban đêm (23-1h) khi lưu lượng phương tiện giao thông giảm đi.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ô nhiễm không khí sẽ còn gia tăng nếu như chúng ta không kiểm soát được chất lượng nhiên liệu, khí thải cũng như hạn chế số lượng xe gắn máy tham gia giao thông.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện có trên 5,25 triệu xe máy, 10.686 xe máy điện và 4.367 xe mô tô 3, 4 bánh tự chế (không được cấp đăng ký). Đáng nói, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số này được sản xuất, sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ trước; thậm chí có nhiều xe tuổi thọ đã trên 30 năm vẫn đang tham gia giao thông. Đây là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội. Xe máy chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hyđrô cácbon (HC); 87% cácbon ôxít (CO); 57% ôxít nitơ (NOx)…
Điều mà các nhà khoa học cũng như các cơ quan chức năng lo ngại đó là, trong vài năm gần đây xảy ra hiện tượng gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân. Chỉ tính riêng hãng Grab, tăng đến hàng trăm đầu xe GrabBike, GrabCar gây sức ép trực tiếp đối với hạ tầng giao thông các đô thị.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí gia tăng là do hoạt động của các phương tiện giao thông
Giải pháp nào?
Ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng trầm trọng và tương lai sẽ càng tăng nếu chúng ta không có mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời.
Hiện nay để cải thiện chất lượng không khí, thành phố Hà Nội đã và đang hoàn thành kế hoạch trồng hơn 1 triệu cây xanh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông; tăng số lượng cầu vượt nhằm tránh ùn tắc; tổ chức lại vỉa hè, lát lại vỉa hè để khuyến khích người dân đi bộ; triển khai các giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; tăng cường kiểm soát chất lượng xe tham gia giao thông; thay thế than tổ ong; cấm và hạn chế đốt rơm rạ…. Triển khai đồng bộ các Đề án chống ồn, chống bụi; đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030…
Bên cạnh đó, buộc xe tải trọng cao, xe chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng phải được đóng kín thùng, rửa trước khi vào thành phố và trước khi ra khỏi công trường; các công trình xây dựng phải che chắn, giảm thiểu các ảnh hưởng tới môi trường không khí xung quanh.
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giải pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt, metro, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học thay thế nhiên liệu truyền thống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm. Mở rộng, hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới quan trắc môi trường không khí, đảm bảo yêu cầu theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo diễn biến chất lượng môi trường không khí, xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường không khí…
Các chuyên gia môi trường cho rằng, TP.HCM và Hà nội đang cố gắng nhưng vẫn chưa đủ. Giải quyết ô nhiễm không khí phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng trước mắt cần có những giải pháp mạnh tập trung vào nguồn giao thông. Từ cuối năm 2018, Sở TNMT và Sở GTVT TP HCM đã có kế hoạch đề xuất UBND TP xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy nhưng đến nay vẫn chưa được được chấp thuận.
Được biết, để góp phần bảo vệ môi trường không khí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu với những yêu cầu khắt khe hơn.
Theo Monre.gov.vn(Thảo Linh)