Tháng 3/2023, các nhà khoa học đã phát hiện những tảng đá làm từ mảnh vụn nhựa tại đảo núi lửa Trindade của Brazil. Sau đó không lâu, đá nhựa tiếp tục được tìm thấy ở thành phố Hà Trì (Trung Quốc). Các phát hiện này gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc ô nhiễm nhựa đã lan đến địa chất.
* Đá nhựa – một loại địa chất nhân tạo
Những người phát hiện ra đá nhựa tại đảo Trindade (Brazil) là nhóm nghiên cứu của bà Fernanda Avelar Santos, nhà địa chất tại Đại học Liên bang Parana. Nhóm đã tiến hành các thử nghiệm hóa học để tìm ra loại nhựa có trong đá nhựa. Đá nhựa tạo thành từ hỗn hợp các hạt trầm tích và các mảnh vụn khác được giữ lại với nhau bằng nhựa.
“Chúng tôi xác định sự ô nhiễm chủ yếu đến từ lưới đánh cá. Lưới đánh cá khi phân hủy tạo ra những mảnh vụn rất phổ biến trên các bãi biển ở đảo Trinidade,” bà Santos nói. “Lưới bị kéo theo dòng hải lưu và tích tụ trên bãi biển. Khi nhiệt độ tăng lên, lưới nhựa tan chảy và dính chặt vào vật liệu tự nhiên của bãi biển”.
Đảo Trindade là một trong những điểm bảo tồn rùa xanh (loài Chelonia mydas) quan trọng nhất thế giới, với hàng nghìn con đến đẻ trứng mỗi năm. Trên đảo chỉ có quân đội Brazil đóng quân. “Nơi chúng tôi tìm thấy những mẫu đá nhựa này là một khu vực được bảo tồn lâu dài ở Brazil, gần nơi rùa xanh đẻ trứng,” bà Santos nói.
Trước phát hiện này, bà Santos cho rằng, cần nghĩ đến một kỷ nguyên địa chất có sự tác động của con người. “Ô nhiễm, rác thải trên biển và rác thải nhựa đang trở thành vật liệu địa chất, được lưu giữ trong hồ sơ địa chất của trái đất”, bà Santos nhận định.
Vài tuần sau phát hiện đá nhựa tại Brazil, một nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh đã phát hiện ra một dạng ô nhiễm nhựa mới. Đây là màng chất thải nhựa liên kết hóa học với đá được tìm thấy tại TP. Hà Trì.
Phát hiện tại Trung Quốc càng củng cố thêm nhận định của các nhà khoa học rằng nhựa đã trở thành một phần của địa chất Trái đất.
“Trong thế kỷ 20 và 21, con người đang tạo ra những kỷ lục địa chất mới,” ông Deyi Hou, một nhà khoa học về đất và nước ngầm tại Đại học Thanh Hoa, được trích dẫn khi nói về phát hiện này trên tạp chí Nature.
Ông cho biết, nhựa dính trong đá đến từ rác tích tụ trong và xung quanh con lạch – nơi phát hiện đá nhựa. Chúng bao gồm màng polypropylene được sử dụng để làm túi nhựa và màng polyetylen dùng che phủ cây trồng.
Thực ra, giới khoa học đã mô tả “đá nhựa” từ năm 2014 trên một bãi biển ở Hawaii. Một nhóm nghiên cứu đăng tải thông tin trên Tạp chí GSA Today cho rằng những viên đá này, rất có thể được hình thành từ nhựa nóng chảy khi du khách đốt lúc cắm trại hoặc câu cá. Khi tan chảy, nhựa kết dính các mảnh đá, cát và vỏ sò lại với nhau, hoặc nhựa có thể chảy vào những tảng đá lớn hơn và lấp đầy các vết nứt và bong bóng trong đá xunh quanh.
“Đá nhựa” được tìm thấy trên Đảo Trindade (Brazil) (ảnh: Reuters)
* Hành động ngay cho tương lai
Phát hiện về đá nhựa cho thấy, nhựa đã có mặt ở những nơi xa xôi nhất, kể cả nơi không có hoặc rất ít hoạt động phát thải nhựa. Ngoài địa chất, nhựa đã trở thành một phần của môi sinh.
Bà Shachi Chaturvedi, Trợ lý Thông tincông cộng của Liên hợp quốc tại Ấn Độ, cho biết: Nhựa và các hạt vi nhựa còn sót lại hiện diện khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên của chúng ta, trong thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống, không khí chúng ta hít thở và thậm chí cả bên trong chúng ta. Nhựa hiện là một phần của hồ sơ hóa thạch của trái đất và kỷ nguyên địa chất hiện tại của chúng ta.
“Chúng ta đã tạo ra một môi trường sống vi sinh vật biển mới gọi là Plastisphere. Nếu chúng ta không dừng lại ngay bây giờ, chắc chắn chúng ta không thể truyền lại cho con cháu chúng ta một hành tinh sống đúng nghĩa”, bà Shachi Chaturvedi cảnh báo.
Bà nhấn mạnh, phải hành động ngay lập tức và chấm dứt ô nhiễm nhựa phải trở thành một chiến dịch rộng rãi của toàn dân. Bà cũng gợi ý một số giải pháp đo lường và quản lý ô nhiễm nhựa, như sử dụng vật liệu có thể phân hủy và tái sử dụng, tăng cường tái chế và quản lý chất thải bằng cách đầu tư vào công nghệ tiên tiến, thực thi và giám sát các luật hiện hành bằng cách tăng cường kiểm tra và hỗ trợ các sáng kiến dựa vào cộng đồng như các tổ chức địa phương và phong trào cơ sở.
Trích nguồn: monre.gov.vn