CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Đà Nẵng: Sớm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường họ

0

(TN&MT) – Nằm trong Kế hoạch thực hiện triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn thành phố năm 2020, chiều 3/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã có buổi làm việc với các chuyên gia, sở, ngành và đơn vị liên quan về hoàn thiện xây dựng Kế hoạch triển khai “Mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại trường học”. Ông Đinh Quang Cường – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc

Thu gom vỏ hộp sữa góp phần giảm thiểu chất thải rắn

Mô hình thu gom vỏ hộp sữa sẽ triển khai tại 300 trường Mầm non và Nhóm Trẻ độc lập tư thục (NTDLTT) trên địa bàn các quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2020 – 8/2021.

Hàng ngày, mỗi em học sinh mang tối thiểu 1 hộp sữa tới trường để uống, nếu thu gom mỗi em 1 hộp/ ngày mỗi tháng sẽ thu gom 10 tấn vỏ hộp sữa. Đây là con số lớn góp phần vào công tác phân loại và tái chế chất thải rắn (CTR), góp phần giảm lượng CTR xử lý tại bãi rác Khánh Sơn.

Bên cạnh đó, bước đầu giáo dục kiến thức cho trẻ về CTR và tầm quan trọng của rác tài nguyên. Từng bước giáo dục ý thức cho trẻ về sự cần thiết của tái chế và hướng dẫn kỹ năng phân loại rác thải. Giúp trẻ hình thành nhận thức và thái độ tích cực đối với rác thải; Nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng của cán bộ, nhân viên trong các trường học về phân loại rác tại nguồn, thu hồi và tái chế rác tài nguyên, từng bước lan tỏa ra cộng đồng góp phần đẩy mạnh hoạt động phân loại tái chế trong cộng đồng dân cư.

Theo kế hoạch đến tháng 7/2020 hoàn thành việc khảo sát về: khối lượng, thành phần, phí thu gom CTR từ 300 trường. Đến tháng 8/2020, sẽ hoàn thành việc thiết kế và lắp đặt pa-nô, áp phích truyền thông tại các cơ sở trường học; Chuẩn bị các sổ tay, tài liệu hướng dẫn cụ thể phân loại và tập kết vỏ hộp sữa; Trang bị các dụng cụ, vật tư tại các trường học và địa điểm tập kết đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường trong quá trình phân loại và tập kết hộp sữa.

Phương thức triển khai “Mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại trường học”

Kế hoạch thu gom và xử lý

Vỏ hộp sữa sau khi sử dụng sẽ được cán bộ, giáo viên nhà trường hướng dẫn các trẻ xử lý sơ bộ theo đúng quy trình được tập huấn. Trong tháng đầu tiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện, và Đoàn thanh niên địa phương phối hợp với các tổ chức UNDP và Cty Tetra Park theo dõi, hỗ trợ và giám sát tiến trình thực hiện để có những điều chỉnh kịp thời.

Vỏ hộp sữa hằng ngày sau khi xử lý sơ bộ sẽ được tập kết tại trường, đóng gói cẩn thận theo đúng yêu cầu của đơn vị thu gom. Đối với các trường có khối lượng vỏ hộp sữa thu hồi lớn hơn 50 kg/tuần thì sẽ được thu gom trực tiếp tại trường vào giờ cố định cuối tuần. Đối với các trường hoặc cơ sở NTDLTT có lượng vỏ hộp sữa thu hồi không đáng kể (< 50 kg/tuần) thì nhà trường chủ động mang đến địa điểm tập kết chung do Công ty Cổ phần Môi trường Đà Nẵng quyết định vào cuối tuần để được thu gom.

Việc thu gom lượng hộp sữa đã tập kết phải được bố trí, sắp xếp vào cuối tuần (Thứ 7 và Chủ nhật) để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà trường và hạn chế ảnh hưởng từ hoạt động giao thông công cộng, đặc biệt là những trường ở trung tâm thành phố. Tuyến và lịch thu gom cụ thể sẽ được sắp xếp sau khi ước tính khối lượng và thể tích vỏ hộp sữa thu hồi từ các đơn vị trường học cũng như vị trí tập kết chung của địa phương. Sau khi thu hồi, vỏ hộp sữa phải được đóng kiện và tập kết tại kho chất thải rắn tái chế (do Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng bố trí).

Việc vận chuyển lượng vỏ hộp sữa đã thu hồi cho đơn vị tái chế (Công ty Tetra Park) được thực hiện bởi Công ty Lagom. Công ty Lagom sẽ được giao nhận lượng vỏ hộp sữa đã được thu hồi, đóng kiện từ Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng theo định kỳ (1 tháng/lần; Lagom trả phí 2.500/ký cho Công ty Môi trường đô thị) tại vị trí tập kết chất thải rắn tái chế. Số liệu giao dịch phải được ghi nhận và cáo cáo cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Thu gom vỏ hộp sữa không chỉ góp phần phân loại chất thải rắn tại nguồn mà còn nâng cao ý thức cho trẻ em và cán bộ, giáo viên tại các trường Mầm non về bảo vệ môi trường (ảnh internet)

Đánh giá hiệu quả, nhân rộng mô hình

Số liệu khi thực hiện giao dịch phải được nhà trường và đơn vị thu gom ghi chép đầy đủ để làm căn cứ báo cáo, tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình. Đồng thời, là cơ sở để Sở TN&MT tham mưu UBND thành phố các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng tham gia thu gom, tái chế rác thải.

Việc áp dụng công nghệ trong quản lý hoạt động thu gom chất thải tài nguyên nên được nghiên cứu và triển khai thí điểm trong chương trình này. Theo đó, các thông tin và dữ liệu giao dịch giữa các trường học và đơn vị thu gom sẽ được cập nhật liên tục vào hệ thống quản lý và báo cáo về đơn vị chủ quản. Sự minh bạch trong thu gom, tiện lợi trong thống kê, quản lý và giám sát là cơ sở để tiến tới xây dựng hệ thống quản lý chất thải thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng thực hiện đánh giá hiệu quả của mô hình, đề xuất giải pháp để nhân rộng trên toàn thành phố; triển khai thí điểm ứng dụng App trên điện thoại di động để tối ưu mô hình quản lý hoạt động thu hồi và tái chế hộp sữa.

Với kế hoạch trên, ông Đinh Quang Cường – Phó Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cho rằng, mô hình thu gom vỏ hộp sữa rất có ý nghĩa và Đà Nẵng quyết tâm để triển khai thực hiện chương trình này, ông đề nghị trong kế hoạch cần làm rõ phạm vi thời gian và phạm vi không gian, vừa khảo sát hiện trạng vừa xây dựng quy trình thu gom cho cụ thể hơn về sơ đồ mạng lưới thu gom, tập kết.

Đồng thời, ông Cường đề nghị Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng lên dự toán kinh phí phục vụ công tác thu gom, vì có một phần xử lý ép khuôn cần phải đầu tư máy ép khuôn, nếu Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng không đầu tư được máy ép thì có thể thuê doanh nghiệp tham gia để thuê máy ép khuôn rác thải của doanh nghiệp.

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.