Ngày 2/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng phối hợp với Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản (IGES) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) giai đoạn 2 do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ
Theo đó, dự án Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại Đà Nẵng trong chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (D-3RYM) giai đoạn 2 được thực hiện từ năm 2022- 2024 với tổng kinh phí 15,63 tỷ đồng.
Dự án sẽ gồm các hợp phần thiết lập hệ thống tuần hoàn tài nguyên bền vững cho chất thải rắn đô thị; tăng cường quản lý chất thải rắn đô thị từ phân loại rác tại nguồn đến xử lý và hệ thống tuần hoàn tài nguyên bền vững tại 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Đặc biệt là phương thức quản lý, vận hành các trạm trung chuyển rác và các chính sách thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo ông Tô Văn Hùng , Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng, với sự đồng hành trong nhiều năm qua của thành phố Yokohama, một thành phố kiểu mẫu về bảo vệ môi trường ở Nhật Bản và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp hiệu quả nhằm đem lại sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và duy trì môi trường sinh thái, Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ môi trường, từng bước phát triển bền vững.
“Kết quả giai đoạn I đã thành công với sự hợp tác hiệu quả giữa hai thành phố, sự hỗ trợ kỹ thuật của IGES, nhiều lượt cán bộ của thành phố đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp tại nhật bản, triển khai nhiều mô hình lan toả trong cộng đồng tại 2 quận Hải Châu, Thanh Khê. Trên cơ sở đó, với sự quyết tâm cao, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến năm 2025”, ông Hùng cho hay.
Ông Tô Văn Hùng cũng bày tỏ vui mừng khi đại diện JICA thông tin là tiếp tục hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng thúc đẩy và nâng cao hoạt động phân loại và tái chế rác thải trong thời gian đến. Thành phố sẽ tiếp nhận và khai thác, thực hiện rất trách nhiệm mang lại kết quả mong muốn.
Thành phố Đà Nẵng đang rất cần những sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật… và cả những cách làm, mô hình đã được thực hiện thành công từ thành phố Yokohama.
Ông Tô Văn Hùng cũng đề nghị thành phố Yokohama chia sẻ, hỗ trợ Đà Nẵng về mô hình thu gom, xử lý chất thải hữu cơ; giới thiệu phương tiện, xe, thùng rác… và mô hình điểm tập kết phù hợp để phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn đô thị…
TS. Yasuhiko Hotta, Trưởng dự án, đại diện Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) cho rằng, trong giai đoạn 1 của dự án, thành phố Yokohama đã khuyến khích người dân thành phố Đà Nẵng phân loại rác trong khuôn khổ, điều kiện hiện có nhằm tách được các loại rác tái chế mà có thể bán được và giảm khối lượng rác thải được chở đi chôn lấp.
Thành phố Yokohama và IGES sẽ hỗ trợ tất cả kinh nghiệm, kỹ thuật… hiện có cho thành phố Đà Nẵng trong công tác quản lý chất thải rắn đô thị, đặc biệt là các giải pháp không phải sự dụng kinh phí quá nhiều, hạn hẹp hoặc không có kinh phí mà vẫn thực hiện thành công, mang lại những hiệu quả tích cực cho Đà Nẵng.
Đồng thời, giới thiệu, chia sẻ những nhu cầu, kiến nghị của thành phố Đà Nẵng cho chính quyền thành phố Yokohama, đơn vị quản lý dự án Y-Port (dự án Hợp tác tài nguyên và công nghệ của thành phố Yokohama) và các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tài chính của thành phố Yokohama để xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cho Đà Nẵng; mời các chuyên gia, nhà khoa học ở thành phố Yokohama và Nhật Bản tham gia góp ý kiến, xây dựng các kế hoạch để thực hiện các dự án mang lại hiệu quả cao nhất cho Đà Nẵng…
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/