Chủ động kiểm soát, ứng phó sự cố môi trường
Nhờ chủ động tiếp cận thông tin, kiểm soát nguồn thải, nên năm 2018, việc xử lý các điểm nóng về môi trường nhanh chóng, hiệu quả hơn. Đáng nói là không có sự cố môi trường nghiêm trọng nào xảy ra.
Hiệu quả từ đường dây nóng
Cuối năm 2017, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng.
Với việc quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ thị 03 đã đã tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT), nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT từ Trung ương đến địa phương. Từ đó đến nay, hàng trăm vụ việc vi phạm các quy định về môi trường đã được xử lý.
Sau hơn 1 năm triển khai, chỉ riêng đường dây nóng của Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận và chuyển các đơn vị chuyên môn xử lý 1.082 phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường diễn ra trên địa bàn 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trung bình, tiếp nhận khoảng 90 vụ/tháng. Trong tổng số vụ việc phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường có 82 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về chất thải rắn (chiếm tỷ lệ 7%); 213 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về nước thải (chiếm tỷ lệ 20%); 787 vụ việc gây ô nhiễm môi trường về khí thải (chiếm tỷ lệ 73%). Hệ thống đường dây nóng đã được duy trì, vận hành thông suốt 24/7.
Các địa phương có nhiều thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… Trong đó, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có 259 thông tin phản ánh, kiến nghị qua đường dây nóng, chiếm tỷ lệ 35,8% tổng số các vụ việc phản ánh, kiến nghị trên cả nước. Một số địa phương đã tiến hành xử lý thông tin nhanh, dứt điểm vụ việc theo đúng quy định đó là Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bắc Giang. Các địa phương có tỷ lệ xử lý chậm nhiều là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai, Nam Định…
Ngành TN&MT tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm thông qua đường dây nóng. Ảnh: MH
Để xử lý các thông tin được phản ánh qua đường dây nóng, hầu hết, các địa phương đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh/thành phố (Phòng Cảnh sát môi trường) có Văn bản đôn đốc và yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền; đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây phát sinh ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, hướng dẫn biện pháp khắc phục nhưng cố tình không chấp hành, tiếp tục vi phạm, Sở TN&MT, Công an tỉnh/thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số địa phương đã đưa ra các giải pháp mạnh đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài diễn ra như yêu cầu cơ sở gây ô nhiễm phải khẩn trương xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm, đầu tư xây dựng hạng mục xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải…
Đến nay, việc vận hành, duy trì đường dây nóng đã tạo bước chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm của các địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường. Toàn bộ 63/63 địa phương đã cử cán bộ trực, theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. Việc vận hành, duy trì liên tục 24/24 giờ của hệ thống đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các tổ chức, cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng và người dân.
Có thể thấy, việc Bộ TN&MT tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế, xử lý kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp cho công tác điều hành của Bộ chuyển từ thế bị động sang chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố.
Kiểm soát nguồn thải – Không xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, trong năm 2018, giải quyết điểm nóng về môi trường đã chuyển từ thế bị động sang chủ động. Với việc đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, công tác bảo vệ môi trường đã được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận.
Để kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, Tổng cục Môi trường đã theo dõi và đánh giá hoạt động quan trắc của các Trung tâm, Trạm quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước; xây dựng Chương trình quan trắc môi trường năm 2018. Phối hợp với UBND 4 tỉnh miền Trung triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung”. Triển khai xây dựng Đề án về quan trắc, cảnh báo về môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 – 2025 định hướng 2030… phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, điều tra, đánh giá, phân loại nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, dịch vụ có phát sinh chất thải trên phạm vi toàn quốc.
Tổng cục đã tiến hành điều tra, đánh giá nguồn thải các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước thải được xác định theo Điều 5, Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 8/5/2012 của Bộ TN&MT; các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 100m3/ngày/đêm trở lên; các cơ sở cần tiến hành các biện pháp xử lý triệt để về nước thải thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày/đêm trở lên xả trực tiếp ra sông hoặc các phụ lưu cấp 1 các sông; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; các khu đô thị, dân cư tập trung… Trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra những nơi có thể gây ra sự cố môi trường như các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, tỉnh Hậu Giang, Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; quá trình vận hành dự án của Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa… Tập trung triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai thực hiện Đề án Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc TN&MT; hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, xây dựng các Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về chất thải công nghiệp như Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học.
Nguồn Monre.gov.vn