(TN&MT) – “Qua 10 năm triển khai thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Kon Tum đã góp phần rất lớn trong bảo vệ và phát triển rừng; giúp ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới; thu nhập, đời sống của người dân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng được nâng cao, ổn định”, ông Hồ Thanh Hoàng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 66 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); trong đó, 13 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực liên tỉnh, 53 đơn vị sử dụng dịch vụ có lưu vực nội tỉnh. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Kon Tum đã ký 53 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 26 nhà máy thủy điện, 10 nhà máy nước sạch, 17 nhà máy sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ nguồn nước cho sản xuất công nghiệp.
Đến năm 2020, toàn tỉnh Kon Tum đang quản lý bảo vệ hơn 387.780 ha rừng cung ứng DVMTR (chiếm khoảng 64,4% tổng diện tích rừng toàn tỉnh). Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thu được hàng trăm tỷ đồng để chi cho các chủ rừng có nguồn kinh phí chủ động bảo vệ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực để phát triển bền vững |
Từ nguồn tiền chi trả DVMTR đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để các chủ rừng yên tâm bảo vệ rừng. Các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty Lâm nghiệp chủ động về nguồn tài chính hằng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới.
Bên cạnh đó, 3.469 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng đã và đang thực hiện rất tốt việc quản lý, bảo vệ rừng. Nguồn thu đáng kể và ổn định từ công việc làm nghề rừng đã giúp người dân trên địa bàn, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Trải qua 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại tỉnh Kon Tum, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, quá trình thực hiện chính sách đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR tại Kon Tum đã tác động trực tiếp, giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, phát triển rừng; góp phần cải thiện điều kiện sống, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân trên địa bàn rừng núi; thực hiện thành công chính sách giảm nghèo; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội; nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia.
Ông Hồ Thanh Hoàng nhận định: “Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của chủ rừng và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm rẫy và các hành vi vi phạm lâm luật đã giảm rõ rệt so với trước. Chất lượng, diện tích và trạng thái rừng cung ứng DVMTR các năm sau cũng tăng cao hơn năm trước. Diện tích che phủ rừng ngày càng tăng, môi trường sinh thái tự nhiên trong rừng cũng ngày càng phong phú”.
Từ những chuyển biến tích cực, thấy rõ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Kon Tum sau 10 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã cho thấy tầm quan trọng của chính sách này. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum là cơ quan chuyên môn thực thi chính sách chi trả DVMTR cũng đã chứng minh được khả năng điều hành hoạt động của Quỹ, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.
10 năm nhìn lại với những thành công đã đạt được, hy vọng chính sách chi trả DVMTR sẽ tiếp tục được phát triển phù hợp với thực tế và yêu cầu phát triển của ngành lâm nghiệp, phát hiện được những tồn tại, hạn chế để tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc. Từ đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của nó trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Kon Tum.
Theo baotainguyenmoitruong.vn