Hiện, có tới gần 6.000 nguồn thải đổ vào lưu vực sông Cầu và Nhuệ – Đáy, trong khi đó, có nhiều nguồn nước thải chưa được xử lý. Điều này đòi hỏi các địa phương phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát các nguồn thải tránh nguy cơ ô nhiễm xảy ra trên diện rộng.
Sông Cầu tiếp nhận hơn 4.000 nguồn thải
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tác động của các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là của các khu công nghiệp, sản xuất làng nghề, khu khai thác và chế biến, các tụ điểm dân cư của 6 tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương khiến môi trường nước lưu vực sông Cầu bị ô nhiễm nặng.
Tính đến tháng 7/2018, trên lưu vực sông Cầu có khoảng trên 4.000 nguồn thải, trong đó, có 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Số lượng nguồn thải lớn nhất tập trung nhiều nhất trên địa phận Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Ninh (Bắc Ninh 983 nguồn thải, Bắc Giang 799, Thái nguyên 1095), tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có số lượng nguồn thải ít nhất.
Điều đáng nói là nước thải từ các nguồn thải này hầu hết vẫn chưa được xử lý trước khi xả vào lưu vực, đặc biệt là nước thải từ sản xuất công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Đây là những tác nhân chính gây suy giảm chất lượng môi trường nước mặt trên lưu vực sông Cầu, thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước thải sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 68,88% toàn vùng, nước thải KCN, CCN khoảng 6,23%, nước thải làng nghề khoảng 24,25% và nước thải y tế 0,64%.
Nước thải sinh hoạt TP. Hà Nội thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ngày đêm. Ảnh: Hoàng Minh.
Sông Nhuệ – Đáy tiếp nhận gần 1.990 nguồn thải
Đối với lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy chạy qua các các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình và một phần của Thủ đô Hà Nội, Bộ TN&MT tiến hành điều tra được khoảng 1.982 nguồn thải đổ vào lưu vực sông. Trong đó, 1.662 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 39 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 cơ sở y tế; 144 làng nghề. Thành phố Hà Nội là địa phương có tổng số nguồn thải cao nhất chiếm tới 60% trên toàn lưu vực, tiếp đến là Hà Nam, Nam Định và thấp nhất là tỉnh Hòa Bình (Hà Nội 1.191 nguồn thải, Hà Nam 252 nguồn thải, Nam Định 240 nguồn thải, Ninh Bình 196 nguồn thải, Hòa Bình 103 nguồn thải).
Tại Hà Nội, có 36/89 CCN thuộc lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy nhưng có tới 18/36 CCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại tỉnh Nam Định, có 64 làng nghề có xả thải ra lưu vực sông và tất cả đều không có hệ thống xử lý nước thải tập trung; tổng số lượng nước thải phát sinh khoảng 11.400 m3/ngày đêm.
Hiện tại, tỷ lệ nước thải sinh hoạt thải ra sông Nhuệ – sông Đáy chiếm tỷ lệ rất lớn so với tất cả các nguồn thải khác gộp lại (lên tới trên 65%). Cụ thể, như TP. Hà Nội thải sinh hoạt thải ra sông Tô Lịch là 150.000m3/ngày đêm (chiếm 87%); còn các tỉnh còn lại đều chiếm trên 65%; tất cả các nước thải sinh hoạt này, hầu hết đều không được xử lý và thải thẳng ra nguồn tiếp nhận và đi vào sông Nhuệ – Đáy.
Địa phương phải kiểm soát từ đầu nguồn
Theo các chuyên gia, với khối lượng nguồn thải “đồ sộ” như vậy, nếu chúng ta không làm tốt công tác kiểm soát từ đầu nguồn, nguy cơ ô nhiễm môi trường trên diện rộng sẽ bùng phát. Vì vậy, các địa phương phải làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình – nơi nào có nguồn thải lớn nhất ra lưu vực sông sẽ chịu trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề ô nhiễm. Từ cấp Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh trên lưu vực sông phải có một lộ trình và có nguồn kinh phí để thực hiện kiểm soát và quản lý chặt chẽ, tốt các nguồn thải KCN, CCN, làng nghề…
Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin nguồn thải; lập bản đồ nguồn ô nhiễm; tích cực triển khai thực hiện quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường lưu vực sông; đánh giá, khoanh vùng các nguồn nước thải lớn, tiềm ẩn rủi ro gây ra sự cố môi trường.
Theo Monre.gov.vn(Thảo Linh)