Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại có liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sự tham gia của người dân, để có sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại.
Một số loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam (ảnh http://kinhtedothi.vn)
Trong thời gian qua, tình trạng nuôi trồng, phóng sinh loài ngoại lai xâm hại đang tiếp tục diễn ra, tiềm ẩn các mối đe dọa tới đa dạng sinh học và các lĩnh vực phát triển kinh tế về nông, lâm, ngư nghiệp, đặc biệt là việc nhập khẩu, buôn bán trái phép loài tôm hùm nước ngọt, việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh các loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Tình hình các loài ngoại lai xâm hại ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ ngày 12 tháng 5 năm 2019, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải các thông tin về tình trạng buôn bán, các tác động của tôm hùm đất với môi trường và đa dạng sinh học và khuyến cáo người dân không nên buôn bán, tiêu thụ loài này. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã liên tiếp bắt giữ các lô hàng nhập khẩu và vận chuyển trái phép tôm hùm nước ngọt Procambarus clarkii vào Việt Nam.
Các vụ việc buôn bán, nhập lậu loài tôm hùm nước ngọt trong thời gian gần đây mới chỉ là một trong số các vụ việc điển hình. Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Bài học trước đây về nhập ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) để phát triển kinh tế và loài này đã trở thành đại dịch, vẫn tiếp tục gây hại cho mùa màng, tác động trực tiếp đến ngành nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, các loài khác như: rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt,… cũng là những loài được quốc tế cảnh báo xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ sinh thái tự nhiên Việt Nam còn chịu sự xâm hại của các loài ngoại lai du nhập theo các con đường tự nhiên như: cây mai dương (Mimosa pigra), bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima), cây trinh nữ móc (Mimosa diplotricha),…
Theo báo cáo của các tỉnh về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại thì có 67% các tỉnh, thành phố bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata), cây mai dương (Mimosa pigra), cây trinh nữ móc (Mimosa diloptricha), cá lau kính (Hypostomus plecostomus), cây keo giậu (Leucaena leucocephala), bèo tây (Eichhornia crassipes) … Cũng theo báo cáo, do nguồn kinh phí và nhân lực hạn chế, các địa phương chưa tổ chức điều tra, khảo sát tổng thể, lập danh sách các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn.
Công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam
Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại được quy định tại Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (từ Điều 50 đến 54) bao gồm các quy định về: điều tra và lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Ngoài ra, một số quy định pháp luật khác cũng đã đề cập đến một số khía cạnh quản lý loài ngoại lai xâm hại như: Luật Bảo vệ và Kiểm dịch năm 2013, Luật Thủy sản năm 2017, Luật Thú y năm 2015, Luật Lâm nghiệp năm 2017,…
Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về loài ngoại lai xâm hại được quy định cụ thể như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường: chủ trì tổ chức điều tra, xác định loài ngoại lai xâm hại, thẩm định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; chủ trì quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai; công khai thông tin về danh mục loài ngoại lai xâm hại; Triển khai Quyết định số 200/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, xác định loài ngoại lai xâm hại, thẩm định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc khảo nghiệm và cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai; chủ trì kiểm soát các sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm soát các sinh vật gây hại rừng; quản lý việc nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh các loài sinh vật trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp;
Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại; bố trí nguồn ngân sách để kiểm soát, quản lý, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài ngoại lại xâm hại…;
UBND cấp tỉnh: tổ chức điều tra, lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; cấp phép nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại địa phương; công khai danh mục loài ngoại lai xâm hại, thông tin về khu vực phân bố, mức độ xâm hại của loài ngoại lai xâm hại trên trang thông tin điện tử của mình;
Ngoài ra, các cơ quan liên quan như quản lý thị trường, cảnh sát môi trường trong thẩm quyền của mình cũng có vai trò trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý loài ngoại lai xâm hại.
Các kết quả về quản lý loài ngoại lai xâm hại
Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện các hoạt động: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26 tháng 9 năm 2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại; tổ chức rà soát, cập nhật danh mục loài ngoại lai xâm hại và ban hành Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 11 năm 2018 quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại, công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại trên trang tin điện tử của Tổng cục Môi trường; thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về quản lý loài ngoại lai xâm hại, ban hành các văn bản hướng dẫn nhận dạng các loài ngoại lai xâm hại và hàng năm, có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại theo quy định của pháp luật; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2012 phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định 1896/QĐ-TTg); ban hành Quyết định số 200/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 01 năm 2015 về việc phê duyệt Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 và hướng dẫn các địa phương trên cả nước trong việc xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về sinh vật ngoại lai xâm hại.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện các hoạt động kiểm soát việc nuôi trồng, phát triển, sản xuất, kinh doanh loài ngoại lai trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; thực hiện nhiệm vụ điều tra, thống kê các loài ngoại lai xâm hại và có biện pháp diệt trừ, tuyên truyền cho người dân không nuôi, phóng sinh tự do các loài thủy sinh gây hại; kiểm soát quy trình kiểm dịch thực, động vật nhập khẩu nhằm ngăn ngừa sinh vật ngoại lai xâm hại; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gây nuôi, phát triển các loài này và ghi nhận những ảnh hưởng của các loài đối với đa dạng sinh học đối với các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã được cấp phép sản xuất kinh doanh (hiện nay có 3 loài: cá chim trắng toàn thân, cá hoàng đế, cá trê phi).
Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cán bộ kiểm dịch tại 47 trạm, chốt kiểm dịch, cán bộ Hải quan tại 18 cửa khẩu quốc tế về nhận dạng loài ngoại lai xâm hại, các quy định kiểm dịch, kiểm tra biên giới nhằm kiểm soát sinh vật ngoại lai khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Tại địa phương, 67% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (39 trong số 63 tỉnh, thành phố) đã gửi báo cáo tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, bước đầu đã có các hoạt động điều tra, thống kê sinh vật ngoại lai xâm hại.. .tuy nhiên do nguồn kinh phí và nhân lực hạn chế, nhiều địa phương vẫn chưa tổ chức điều tra, khảo sát tổng thể và lập Danh mục các loài ngoại lai xâm hại. Các hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý đặc biệt là các đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về loài ngoại lai xâm hại được thực hiện nhưng chưa chủ động, thường xuyên. Mới tập trung diệt trừ một số loài ngoại lai xâm hại có tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp như ốc bươu vàng, cây mai dương, trinh nữ móc.
Những tồn tại, hạn chế trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại
Trong quá trình thực hiện quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định còn có những tồn tại, hạn chế sau:
Về nhận thức: nhận thức của các cơ quan quản lý và nhân dân về tác hại của sinh vật ngoại lại xâm hại còn hạn chế. Một số đối tượng vì lợi ích trước mắt nên vẫn cố tình nhập khẩu, nuôi trồng loài ngoại lai xâm hại. Vào các dịp lễ tết, tại các địa phương vẫn tồn tại việc mua bán rùa tai đỏ để phóng sinh. Nguyên nhân chính là do hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về quy định pháp lý: quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại tại Luật Đa dạng sinh học còn chung chung, mới chỉ đề cập đến trách nhiệm điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát việc nhập khẩu, xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; kiểm soát nuôi trồng loài ngoại lại có nguy cơ xâm hại; lây lan và phát triển của loài ngoại lai xâm hại; công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại. Thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng ngừa như phân tích, đánh giá nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh… Do vậy, trong thực tế, pháp luật chưa mang tính bao quát, dự báo đến các trường hợp xảy ra trong thực tiễn. Trong khi đó, Luật Đa dạng sinh học không quy định việc ban hành các văn bản nêu trên do đó không có căn cứ pháp lý để xây dựng các văn bản hướng dẫn về kiểm soát, phòng ngừa, đánh giá nguy cơ… các loài ngoại lai xâm hại.
Về thực thi pháp luật: Mặc dù Luật Đa dạng sinh học quy định cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai nhưng trên thực tế, nhiều loài vẫn được phát tán thường xuyên, trường hợp điển hình là các hoạt động phóng sinh rùa tai đỏ. Các hành vi trái phép không được phát hiện bởi các cơ quan thực thi pháp luật mà nhiều khi do phản ảnh của các cơ quan ngôn luận. Các chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại chưa được thống nhất. Việc áp dụng xử lý các hành vi vi phạm về loài ngoại lai xâm hại theo Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thiếu khả thi.
Về nguồn lực trong quản lý loài ngoại lai xâm hại: Nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, điều tra, đánh giá, kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại rất hạn hạn chế. Nguồn nhân lực và năng lực để quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Về năng lực, kỹ thuật quản lý loài ngoại lai xâm hại: thiếu các kỹ năng nhận dạng và xác định chính xác loài ngoại lai xâm hại; các biện pháp, công nghệ để kiểm soát loài ngoại lai xâm hại còn hạn chế; cần đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại nhưng chưa được thực hiện.
Về cơ chế phối hợp trong quản lý loài ngoại lai xâm hại: Hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và với các địa phương trong cả nước còn yếu và chậm dẫn đến việc tổng hợp thông tin và xử lý còn chậm.
Một số giải pháp tăng cường quản lý loài ngoại lai xâm hại
Việc quản lý loài ngoại lai xâm hại có liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sự tham gia của người dân. Vì vậy, để có sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại và chỉ đạo thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại. Đồng thời các Bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các nội dung công việc sau:
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về loài ngoại lai xâm hại cho toàn thể cộng đồng.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và hướng dẫn kỹ thuật về quản lý loài ngoại lai xâm hại; nghiên cứu, sửa đổi các quy định và chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý loài ngoại lai xâm hại đảm bảo tính thống nhất và khả thi trong triển khai thực tế.
Tăng cường công tác kiểm soát và thực thi pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại; hướng dẫn việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về loài ngoại lai xâm hại;
Thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.
Duy trì kinh phí thường xuyên đủ hỗ trợ công tác quản lý loài ngoại lai xâm hại; bố trí nguồn kinh phí thực hiện diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và đang thiết lập quần thể ở Việt Nam.
Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu về đánh giá nguy cơ xâm hại, nhận dạng, kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại cho các cơ quan chức năng để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và từ Trung ương đến địa phương trong việc quản lý và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến loài ngoại lai xâm hại.
Cổng TTĐT