Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách, trong đó có văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử phạt vi phạm hành chính về an ninh mạng.
Công tác bảo đảm an ninh mạng được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan như Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh 86 đã có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Đến nay, đã có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.
Về phát triển thị trường và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT cấp phép cho 87 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa chiếm khoảng 72,7% so với hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng; đã thành lập Liên minh phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam với sự tham gia của 21 doanh nghiệp. Tuy vậy, vấn đề bảo đảm an ninh mạng vẫn còn những hạn chế về tiềm lực, nhận thức của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, cá nhân…
Theo đại diện Bộ Công an, có nhiều vấn đề về an ninh mạng mà Việt Nam phải chủ động ứng phó trong năm 2021. Đáng lưu ý nhất là sự gia tăng hoạt động tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Nguy cơ thứ hai là những tin giả, thông tin sai sự thật được đăng tải tràn lan trên mạng. Kế đến là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh trái phép, trao đổi, chia sẻ công cụ tấn công hệ thống mạng, trộm cắp, mua bán dữ liệu cá nhân, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng để thanh toán dịch vụ, mua hàng trực tuyến.
Các chuyên gia khuyến nghị, mọi người cần thận trọng khi nhận thông tin qua email, tin nhắn, gọi điện thoại, tin nhắn mạng xã hội. Không mở các tập tin hoặc truy cập (click) vào đường link gửi kèm những email, tin nhắn chứa thông tin không rõ nguồn gốc hay các đường link liên kết đến các trang web trực tuyến nghi ngờ giả mạo… Xóa bỏ ngay tin nhắn, email này (kể cả trong phần các mục đã xóa) và báo tin kịp thời đến cơ quan chức năng để thực hiện điều tra tội phạm.
Đồng thời, người dùng phải thường xuyên cập nhật phần mềm diệt virus, các phiên bản cập nhật có bản quyền chính thức của hệ điều hành, trình duyệt cho máy tính, điện thoại và thiết bị điện tử sử dụng cho giao dịch tài chính. Theo dõi thông tin giao dịch ngân hàng và đăng ký các dịch vụ để kiểm soát thông tin, đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn.
Một số phương thức ngăn chặn tội phạm mạng
– Sử dụng phần mềm bảo mật: Luôn sử dụng phần mềm bảo mật uy tín để giữ an toàn cho hệ thống máy tính, mạng và dữ liệu của bạn. Việc lựa chọn phần mềm bảo mật sao cho phù hợp tùy thuộc vào bản chất của dữ liệu, mức độ quan trọng và tính chất của công việc/nhiệm vụ đang làm.
– Quản lý mật khẩu: Quản lý mật khẩu hiệu quả giúp ngăn chặn, hạn chế các hành vi tội phạm mạng ở tầm vĩ mô. Luôn sử dụng mật khẩu mạnh. Đảm bảo rằng mật khẩu mà bạn sử dụng cho các tài khoản, dịch vụ khác nhau cũng khác nhau; đồng thời thay đổi mật khẩu liên tục.
– Cập nhật phần mềm: Giữ cho các phần mềm, ứng dụng trên hệ thống và hệ điều hành của bạn luôn được cập nhật lên phiên bản mới. Sự chậm trễ có thể dẫn đến việc tội phạm mạng tìm thấy lỗ hổng, qua đó khai thác nhằm thực hiện các cuộc tấn công.
– Thực hiện sao lưu: Luôn sao lưu tất cả dữ liệu mà bạn có trong máy tính cũng như hệ thống mạng của mình, đặc biệt là những dữ liệu quan trọng. Ghi nhớ cập nhật các bản sao lưu theo định kỳ.
– Nâng cao kiến thức về an ninh mạng: Không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới về bảo mật thông tin cũng như an ninh mạng. Các chủ doanh nghiệp nên tổ chức các lớp học nâng cao kiến thức về an toàn thông tin cho nhân viên.
Theo ICTNews