CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Cẩm Giàng (Hải Dương): Xây dựng Nhà máy xử lý rác “việc cần làm ngay” – Bài 2: Nhà máy hiện đại công nghệ Châu Âu

0

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương được triển khai và đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn. Nhà máy với các trang thiết bị hiện đại bậc nhất hiện nay, sử dụng công nghệ Châu Âu đáp ứng các yêu cầu “khắt khe” nhất trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đang được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố; đã giải được bài toán “xử lý rác thải, không hủy hoại môi trường”.

Đảm bảo “khắt khe” về môi trường

Chính vì tính “ưu việt” khi mắt thấy, tai nghe… đầy thuyết phục về quá trình hoạt động, công nghệ của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện đã đi vào hoạt động hiệu quả ở một số nước trên thế giới. Tháng 7/2018, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng. Nhà máy do Liên doanh United Exprert Investments Limited và Công ty Cổ phần Tài nguyên & Môi trường Âu Việt làm chủ đầu tư, với tổng vốn 1.023 tỷ đồng, trên tổng diện tích sử dụng đất của Dự án là 10 ha.

1
Quy trình sản xuất hiện đại

Mục tiêu của Dự án xử lý rác thải sinh hoạt với công suất 500 tấn/ngày đêm (rác không cần phải phân loại) theo công nghệ tiên tiến nhất của Châu Âu hiện nay. Nhà máy bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường “khắt khe” nhất, không gây ô nhiễm thứ cấp. Mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: Sản xuất ra sản phẩm điện năng, gạch không nung và vật liệu xây dựng từ tro đáy lò, phần tro bay sau xử lý còn lại chôn lấp bằng, hoặc nhỏ hơn 3% lượng rác đầu vào. Công suất của Nhà máy đến năm 2020 khi hoàn thành giai đoạn 1 đạt 250 tấn/ngày đêm, giai đoạn 2 sau năm 2020 đạt công suất 500 tấn/ngày đêm và phát điện 9 – 10 MW.

2
Xe thu gom rác được di chuyển thẳng vào chỗ đổ rác
3
Hệ thống xử lý hiện đại

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng được sử dụng công nghệ lò đốt rác phân buồng; lò hơi, máy phát điện tuabin khí sử dụng công nghệ đồng bộ bản quyền công nghệ gốc Công ty Waterleau của Vương quốc Bỉ; hệ thống xử lý khói thải SNCR, làm khô bán phần, làm khô, hấp thu bằng than hoạt tính, thiết bị lọc túi vải; hệ thống xử lý tro bay bằng bùn, cô đặc bằng hóa chất tạo phức; hệ thống xử lý nước rỉ rác UASB+A/O+UF+NF+RO. Theo quy trình công nghệ xử lý, rác thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt thu hồi năng lượng, không cần phân loại rác sinh hoạt hỗn hợp từ đầu nguồn.

Từ trước đến nay, người dân ở khu vực gần Nhà máy xử lý rác thải thường “dị ứng” và hết sức lo ngại, bức xúc vì tình trạng chuyên chở rác gây ô nhiễm môi trường. Bởi quá trình vận chuyển, xe chở rác làm rơi vãi, rò rỉ nước… Về vấn đề này, nhà đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Lương Điền, đã tính toán và  sử dụng các xe thu gom đều là những xe tự ép, nên không để xảy ra tình trạng rơi, vãi nước bẩn từ rác thải ra môi trường. Xe thu gom được di chuyển thẳng vào chỗ đổ rác, xử lý bằng quy trình khép kín nên tránh được tình trạng rò rỉ, phát tán mùi ra ngoài môi trường xung quanh.

Vị trí nhà máy đúng quy định

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng đã được các cấp chính quyền, ban, ngành… xem xét kỹ lưỡng và chọn lựa vị trí phù hợp, đúng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07-9:2016/BXD về Các công trình hạ tầng kỹ thuật – Công trình quản lý chất thải rắn và nhà vệ sinh công cộng của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 01/2016/TT-BXD ngày 01/02/2016 quy định: Khoảng cách an toàn về môi trường của trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn và bùn thải tuân thủ theo QCXDVN 01:2008/BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng, khoảng cách an toàn về môi trường nhỏ nhất giữa nhà máy xử lý chất thải rắn đến chân công trình xây dựng khác là lớn hơn hoặc bằng 500m. Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10/10/2002 của Bộ Y tế quy định khoảng cách bảo vệ vệ sinh tối thiểu được tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất hoặc dây chuyền công nghệ tới khu dân cư là 500m. Trên thực tế, khoảng cách từ vị trí xây dựng Nhà máy đến khu dân cư thôn Bình Long, xã Lương Điền là 700m (bảo đảm an toàn về môi trường và phù hợp với các quy định nêu trên).

4
Mô hình Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao của các nước trên thế giới

Nhà đầu tư Dự án là đơn vị có uy tín, trách nhiệm được đánh giá cao ở nhiều Quốc gia khi triển khai, vận hành hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện. Trước khi thực hiện Dự án, nhà đầu tư đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Cẩm Giàng cam kết Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến của Châu Âu, không phát sinh ô nhiễm. Trong thời gian thi công, khi chưa nghiệm thu kỹ thuật, Chủ đầu tư không tiếp nhận rác tránh ô nhiễm môi trường. Các sản phẩm phụ của nhà máy như tro, xỉ được sử dụng làm gạch không nung, nước thải được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam. Cùng với đó, UBND huyện Cẩm Giàng đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng đủ trình độ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với huyện, giám sát quá trình xây dựng nhà máy. Yêu cầu, Chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, chấp hành đầy đủ; nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, chỉ được phép vận hành Nhà máy khi đáp ứng được các yêu cầu về môi trường nước thải, khí thải (Cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép).

Dự án được đón nhận nhiều nơi

Đây không phải Dự án xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện đầu tiên tại Việt Nam. Trước đó, Dự án đã triển khai tại tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và thủ đô Hà Nội (trong đó có Dự án triển khai vào năm 2017). Hiện nay, Dự án tại Phú Thọ và Hà Nội đã được Chính phủ ký quyết định bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

5
Quyết định của Chính phủ bổ sung các Nhà máy điện rác vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Điển hình, tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty United Expert Investments Limited liên doanh với Công ty Cổ phần AE Toàn Tích Thiện đã đầu tư Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn với tổng vốn đầu tư là 90 triệu USD. Công suất xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Nhà máy là 1.000 tấn/ngày đêm, phát điện khoảng 65 – 67 triệu kWh/năm trong giai đoạn đầu và tăng gấp đôi vào giai đoạn 2. Đồng thời, Nhà máy sản xuất ra khoảng 25.000m3 gạch không nung và các sản phẩm thứ cấp từ quá trình xử lý rác. Dự kiến, Nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2019.

Với tính ưu việt trong quá trình xử lý rác thải, cùng sự cam kết từ phía nhà đầu tư, việc xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện được triển khai và đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền, người dân tỉnh Hải Dương đã rất phấn khởi, đồng thuận, nhất trí… nên yêu cầu trong vòng 6 tháng, nhà đầu tư phải tự hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường, đất đai, bổ sung Quy hoạch phát triển nguồn điện, sử dụng chất thải rắn và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Trong 18 tháng tiếp theo, nhà đầu tư thực hiện xây dựng Nhà máy, các công trình phụ trợ và lắp đặt máy móc thiết bị, tiến hành chạy thử để chính thức đưa Nhà máy đi vào hoạt động sau 24 tháng kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.