CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Cách mạng tái chế rác thải

0

Từ rác thải, các nghiên cứu ứng dụng đang được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam. Đã có những thành công đáng mừng như rác thải nhựa được tái chế thành vật liệu xây dựng giao thông; rác thải xây dựng được chế biến thành cát, sỏi xây dựng…

Tuyến đường làm từ rác thải nhựa

Dự án làm đường từ rác thải nhựa vừa chính thức được triển khai tại KCN Deep C với sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH DEEP C Hải Phòng và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam.

Theo đó, dự kiến, 1km đường làm từ rác thải nhựa sẽ được thi công vào cuối tháng 8/2019 tại khu công nghiệp DEEP C (thành phố Hải Phòng).

Mục đích của dự án nhằm tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng tại khu công nghiệp. Sau khi làm sạch, sấy khô và nghiển nhỏ, rác thải nhựa sẽ trở thành nguyên vật liệu xây dựng giao thông, đảm bảo chắc chắn và độ bền cho con đường.

Ưu điểm là con đường này có khả năng giảm phát thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa cần có trong nhựa đường. Đây cũng là hướng mới đầu ra cho rác thải nhựa.

Bước đầu, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam đã có những buổi làm việc cùng Trung tâm tư vấn Phát Triển Đại học Hàng hải Việt Nam tại phòng thí nghiệm để kiểm định độ bền, từ đó xem xét việc nhân rộng công nghệ làm đường mới này tại Việt Nam. Sự thành công của dự án này hứa hẹn sẽ mở ra hướng xử lý cho bài toán rác thải nhựa – vấn nạn gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam…

  Slide thuyết trình làm đường từ rác thải nhựa. Ảnh: Internet

Cát, sỏi chế biến từ ‘rác thải’ xây dựng

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Long Tường (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã dùng công nghệ để chế biến, tận thu cát, sỏi từ rác thải xây dựng mang lại hiệu quả cao.

Không chỉ góp phần quan trọng giảm thiểu rác thải, thành công này còn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Long Tường cho biết, mô hình khai thác cát sỏi trên sông, công nghệ này có thể lọc và phân loại ra thành nhiều vật liệu khác nhau phục vụ nhu cầu xây dựng như đá đúc, cát đúc, cát xây, cát tô và cả đất dùng để san lấp mặt bằng, trồng cây…

Qua một thời gian triển khai, mô hình đã cho thấy sự hiệu quả và mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, với một giờ vận hành công nghệ này lọc được khoảng 70 khối vật liệu đầu vào, đầu ra tùy theo lượng cát, sỏi, đất, đá của vật liệu đầu vào tương ứng cho ra sản phẩm.

Ước tính một ngày công nghệ này sàng lọc được khoảng 560 khối lượng vật liệu đầu vào (loại vật liệu phế thải từ mỏ đá), cho ra tỉ lệ tương ứng 160m3 sỏi, đá; 100m3 đá (vật liệu đúc bờ lô); 100m3 cát đúc, xây; 150m3 cát tô (các mịn); 50m3 đất.

Đánh giá cao hiệu quả kinh tế, môi trường của ứng dụng này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình; hướng đến sử dụng tài nguyên tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Theo Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.