Trong giai đoạn 2016-2018, các hoạt động chỉ đạo, điều hành của Trung ương trong công tác bảo vệ môi trường tập trung vào: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Kiện toàn tổ chức bộ máy; Huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường…
Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Từ đầu năm 2018 – tháng 5/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình ban hành và ban hành 11 văn bản về BVMT, bao gồm: 02 Nghị định; 01 chỉ thị; 03 Quyết định của Thủ tướng và 05 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).
Đặc biệt, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường được ban hành, trong đó đã sửa đổi các quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) sơ bộ nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các Luật có liên quan; các quy định về ĐTM liên quan đến đối tượng thực hiện, nội dung báo cáo, thời điểm chủ dự án trình thẩm định báo cáo ĐTM; quy định về vận hành thử nghiệm và báo cáo kết quả vận hành, kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; ký quỹ, cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; các quy định về quản lý chất thải rắn, nước thải, khí thải; quan trắc môi trường định kỳ; phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; nhập khẩu phế liệu; quy định về biện pháp kỹ thuật kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; lồng ghép việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực BVMT.
Hiện nay đang tiếp tục triển khai xây dựng: Quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của môi trường; Quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng môi trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước;
Dự án “Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2014”: đến nay Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT đã được Chính phủ đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 với các nhóm chính sách lớn sau: phân luồng, phân nhóm các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất theo mức độ tác động đến môi trường để có biện pháp quản lý môi trường phù hợp; phân vùng môi trường và cơ chế sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; cơ chế quản lý môi trường theo các giai đoạn của vòng đời dự án; liên thông, kết hợp các loại giấy phép, chứng nhận, công nhận về môi trường theo hướng 01 dự án, cơ sở sản xuất chỉ có 01 giấy phép về môi trường; xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường của nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng hội nhập, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo chất lượng môi trường ngày càng cao; quy định về quản lý chất thải rắn theo hướng phù hợp với tình hình phát sinh và bối cảnh kinh tế – xã hội; cơ chế, công cụ kinh tế, tài chính trong quản lý môi trường (chi tiết về mục tiêu, nội dung của các nhóm chính sách tại Phụ lục 2 kèm theo)
Kiện toàn tổ chức bộ máy
Hệ thống tổ chức bộ máy về bảo vệ môi trường đã và đang được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương đã sắp xếp lại toàn diện tổ chức bộ máy của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Tổng cục Môi trường theo hướng tinh gọn, chuyển đổi mô hình tổ chức của một số đơn vị từ Cục thành Vụ bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác quản lý. Tại các Bộ, ngành, tổ chức, bộ phận chuyên môn bảo vệ môi trường cũng được thành lập. Hiện nay Tổng cục Môi trường đang phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ và các đơn vị có liên quan rà soát, điều chỉnh dự thảo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường để thống nhất quản lý chất thải rắn; chuẩn bị trình Bộ trưởng ban hành các Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung – Tây Nguyên, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Vụ Quản lý chất thải, Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế.
Tổng cục Môi trường đã rà soát nội dung phân cấp và giải trình về sự cần thiết duy trì mô hình Tổng cục báo cáo Bộ Nội vụ. Việc tổ chức theo mô hình Tổng cục Môi trường ở Trung ương cùng với Chi cục bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, bộ phận môi trường thuộc Phòng tài nguyên và môi trường ở cấp huyện, cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở cấp xã sẽ tạo được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước đồng bộ, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, có khả năng đảm đương triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nhiệm vụ được phân cấp cho địa phương, cơ sở; đồng thời phát huy được vai trò cơ quan giúp thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
Hiện nay tại địa phương, các tỉnh, thành phố đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ tổ chức bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường theo hướng sáp nhập, tổ chức lại các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, có khối lượng công việc ít; tuy nhiên việc tinh gọn về tổ chức và biên chế trong bối cảnh hiện nay cần tính đến tính chất của công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh môi trường và vấn đề môi trường có vai trò quan trọng, là một trong 3 trụ cột của phát triển; do vậy, tại các địa phương cần thiết duy trì tổ chức của các Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhất thiết không sáp nhập về mặt tổ chức vào đơn vị khác thuộc Sở hoặc giảm cấp xuống thành Phòng.
Ngày 10/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”[4] nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ quản lý môi trường. Theo đó một số các địa phương đã triển khai thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường của các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh báo cáo về việc triển khai Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường ở nước ta chỉ đạt 2.200 cán bộ (24 người/1 triệu dân) là còn thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Do vậy, trước yêu cầu tinh giản biên chế hiện nay, việc bố trí đủ cán bộ thực hiện theo mô hình QLNN về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến điạ phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao đang là thách thức rất lớn. Việc đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu hợp lý; sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đặc thù của các cơ quan bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương là nhiệm vụ quan trọng đối với các tỉnh, thành phố. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là công chức làm nhiệm vụ về bảo vệ môi trường tại cấp quận, huyện, phường, xã năng lực và kinh nghiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn bộc lộ những hạn chế, do vậy, các tỉnh cần quan tâm đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ môi trường, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ở 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam, 100% các địa phương đã thành lập Chi cục Bảo vệ môi trường (một số địa phương chuyển thành Phòng Môi trường), Trung tâm Quan trắc Môi trường cấp tỉnh, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Về tổ chức bộ máy, mỗi Chi cục Bảo vệ môi trường đã thành lập từ 02 đến 03 phòng trực thuộc Chi cục. Riêng tỉnh Bình Thuận đã thành lập phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường.
Ở cấp huyện, đã thành lập các Phòng Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Mỗi phòng dao động từ 01 đến 02 công chức làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Ở cấp xã, phường, thị trấn trên cả nước hiện nay chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý nhà nước về địa chính, xây dựng, môi trường và đô thị, hiện chưa có cán bộ chuyên trách về môi trường.
Huy động nguồn lực cho bảo vệ môi trường
Giai đoạn 2016 – 2019 đã từng bước huy động có hiệu quả nguồn lực tài chính, khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế cũng như sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng cho công tác bảo vệ môi trường, đầu tư từ ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn, tăng dần qua từng năm (tổng chi sự nghiệp môi trường năm 2019 là 20.443 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với năm 2010. Từ năm 2006, đến nay, chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đã tăng dần, đạt 1% tổng chi ngân sách, tăng hơn nhiều lần so với giai đoạn trước. Kinh phí đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường đã được quan tâm bố trí, song vẫn còn rất hạn chế và chưa được tách thành một nguồn riêng đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Khu vực phía Nam, năm 2018 chi sự nghiệp bảo vệ môi trường ngân sách địa phương số Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định 8.588 tỷ đồng, tăng 1.851 tỷ đồng so với số Bộ Tài chính giao (6.737 tỷ đồng). Tuy nhiên, có 03 địa phương quyết định mức dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương thấp hơn so với số hướng dẫn của Trung ương, cụ thể: Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang. Năm 2019 khu vực phía Nam chi sự nghiệp bảo vệ môi trường ngân sách địa phương số Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định 10.096 tỷ đồng, tăng 3.191 tỷ đồng so với số Bộ Tài chính giao (6.9045 tỷ đồng). Tuy nhiên, có 07 địa phương quyết định mức dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách địa phương thấp hơn so với số hướng dẫn của Trung ương, cụ thể: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Tiền Giang, Bến Tre và Hậu Giang (chi tiết tại Phục lục 03 kèm theo[6]).
Việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam có bước tiến đáng kể. Nhiều địa phương thành lập Quỹ bảo vệ môi trường góp phần huy động các nguồn lực về tài chính để giải quyết các vấn đề môi trường. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương (bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải y tế,…). Từ năm 2012 đến nay, nguồn thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm, trong vòng 05 năm (2012 – 2016), nguồn thu này đã tăng gấp 04 lần. Bên cạnh đó, các Bộ đã trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường; bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích, thu hút được một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Các hoạt động khác
Hoạt động thanh tra, kiểm tra: Thực hiện Quyết định số 3018/QĐ-BTNMT ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2016; trong năm 2016, Tổng cục Môi trường giao Cục Môi trường miền Nam chủ trì thực hiện 01 đoàn thanh tra trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu với 88 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp được thanh tra. Cục Môi trường miền Nam đã trình Lãnh đạo Tổng cục Môi trường ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8.800.000.000 đồng.
Thực hiện Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT ngày 24 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017; trong năm 2017, Tổng cục Môi trường giao Cục Môi trường miền Nam chủ trì thực hiện 02 đoàn thanh tra trên địa bàn 03 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, gồm: Vĩnh Long, Trà Vinh và Bà Rịa – Vũng Tàu với 53 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp được thanh tra. Cục Môi trường miền Nam đã trình Lãnh đạo Tổng cục Môi trường ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 4.212.669.330 đồng.
Thực hiện Quyết định số 872/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong năm 2018, Tổng cục Môi trường giao Cục Bảo vệ môi trường miền Nam chủ trì thực hiện 05 đoàn thanh tra trên địa bàn 07 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến tre, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh với 104 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp được thanh tra. Cục Bảo vệ môi trường miền Nam đã trình Lãnh đạo Tổng cục Môi trường ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 5.473.524.850 đồng.
Bên cạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn thuộc loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhạy cảm về môi trường nhằm phòng ngừa, giảm thiểu việc xảy ra các sợ cố gây ô nhiễm môi trường. Trong năm 2018, ngoài các cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đưa vào các dự án, cơ sở sau đây chương trình giám sát đặc biệt: Nhà máy Giấy Lee & Man Việt Nam, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 (tại các tỉnh phía Nam).
Giám sát các dự án, cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường: Từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án bauxite Tây Nguyên (Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV, Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV) và 03 cơ sở thuộc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất và Công ty Cổ phần Bột – Giấy VNT19). Dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ giám sát, đến nay, công tác bảo vệ môi trường của 02 dự án bauxite Tây Nguyên và 03 cơ sở thuộc Khu kinh tế Dung Quất đã có một số chuyển biến tích cực, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường của Công ty Nhôm Lâm Đồng – TKV và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn bước đầu đã đi vào nề nếp, ổn định.
Trong các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, nắm bắt thực tế hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ để đề xuất bổ sung, kiến nghị đưa vào chương trình “Kiểm soát, giám sát đặc biệt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao” và chủ động, kịp thời xử lý các vụ việc nóng, sự cố môi trường phát sinh.
Theo Monre.gov.vn