(TN&MT) – Thời gian qua, biến động về kinh tế thế giới khiến giá xăng dầu dao động mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường xăng dầu trong nước, kéo theo nhiều hệ lụy tác động lên nhiều ngành nghề, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực môi trường. Nếu bù giá nhiên liệu là một câu chuyện khá khó khăn thì việc bù chênh lệch lương cũng đang là nguyên nhân cộng thêm gánh nặng khó khăn cho các doanh nghiệp.
Liên tục những ngày tháng 6 và đầu tháng 7, rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Mặc dù các nhà thầu đã cố gắng khắc phục, tuy nhiên, nhu cầu xử lý rác có thời điểm vượt quá khả năng. Bên cạnh nguyên nhân quá tải bãi tiếp nhận, dừng tiếp nhận để gia cố kỹ thuật đảm bảo an toàn… thì việc chênh lệch giữa giá duyệt gói thầu ban đầu với chi phí thực để đảm bảo vận hành gói thầu hiện tại có mức khá cao chính là một trong những rào cản. Trong khi đó, mùa mưa bão đang tới rất gần, nguy cơ gây ra các sự cố môi trường từ thiên tai là điều khó tránh.
Vẫn tiếp tục bù giá nhiên liệu
Với sự điều chỉnh mạnh tay của Nhà nước và cơ quan chức năng, hiện giá xăng dầu trong nửa cuối tháng 7/2022 đã giảm mạnh. Việc giá xăng dầu giảm đã ảnh hưởng tích cực đến nhiều ngành nghề, tổ chức, cá nhân, trong đó có các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, trước đó, do thời gian dài chịu tác động từ giá xăng dầu tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp môi trường trên địa bàn Hà Nội phải trích ra một khoản kinh phí khá lớn để bù chênh lệch. Điều này gây ra nhiều khó khăn hệ lụy đối với doanh nghiệp do bài toán cân bằng duy trì sản xuất – đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường – đảm bảo duy trì thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, người lao động…
Có thể thấy, mức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là trong quãng thời gian 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, việc bù giá này đã diễn ra từ giai đoạn bắt đầu thực hiện gói thầu 2017 – 2020, kéo sang giai đoạn thực hiện gói thầu mới 2021 – 2023 đến nay đã 19 tháng vẫn chưa hạ hồi giải quyết.
Thông tin từ đại diện Ban Giám đốc Công ty cổ phần xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (đơn vị thực hiện nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển rác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ): Do chưa được cấp có thẩm quyền của thành phố giải quyết bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017 – 2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ 2021 đến nay nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Hiện doanh nghiệp phải chậm lương người lao động, cũng như chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên các trang thiết bị không được sửa chữa và bảo dưỡng đúng kỳ hạn; phát sinh chi phí huy động tài chính lớn khi phải vay lãi ngân hàng; nguy cơ mất vốn chủ sở hữu và tài sản cầm cố do sản xuất kinh doanh lỗ.
Với Khu Liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn, đại điện Ban Giám đốc Xuân Sơn cho biết: Giai đoạn 2020 – 2022, giá nhiên liệu tăng nhiều so với đơn giá do UBND thành phố ban hành. Cụ thể: Theo Quyết định 6841/ĐQ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND thành phố duyệt đơn giá dầu diezel là 9.210 đồng/lít. Trong khí đó, giá dầu diezel bình quân gia quyền năm 2020 là 11.215,84 đồng/lít (tăng hơn 21,8%); giá dầu diezel bình quân gia quyền năm 2021 là 14.121,19 đồng/lít (tăng hơn 53,3%). Theo tính toán của đơn vị, tổng giá trị chênh lệch tiền nhiên liệu năm 2020 và 2021 là 933.535.584 đồng.
Cùng chung tâm tư đó, ông Nguyễn Văn Thụy – Phó Giám đốc Công ty môi trường Thanh Trì (Hà Nội) – đơn vị thu gom rác ở Hoàng Mai và Thanh Trì) chia sẻ: Những tháng đầu năm 2022, cao điểm có tháng lên tới 34 triệu đồng tiền nhiên liệu/ngày, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng từ việc tăng giá xăng dầu; hiện con số này có giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bù lỗ trong khi chi phí bù lỗ trước đó cũng chưa có nguồn bù.
Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh phân tích, cao điểm, ngày 6/7, giá xăng RON 95 là 32.760 đồng/lít và giá dầu Diezel là 29.610 đồng/lít. Nhưng theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022, giá xăng thực hiện gói thầu của thành phố là 16.802,55 đồng/lít (chênh lệch so với giá 6/7 là gần gấp đôi và so với hiện tại là gần 10.000 đồng/lít); giá dầu thực hiện gói thầu của thành phố là 13.890 đồng/lít (chênh lệch so với giá thời điểm 6/7 là hơn gấp đôi và so với hiện tại là hơn 10.000 đồng/lít).
Như vậy, cả 2 giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2023 đều có việc giá nhiên liệu được duyệt thấp hơn nhiều so với giá thị trường, kể cả hiện tại, khi giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu thì giá hiện tại vẫn chênh lệch khá cao so với giá duyệt tại gói thầu, và việc bù giá nhiên liệu vẫn tiếp diễn.
Áp lực từ đảm bảo lương và thu nhập
Thực tế cho thấy, để duy trì vận hành công tác vệ sinh môi trường trong điều kiện bù giá, các doanh nghiệp đã phải san sẻ, chắt bóp chi tiêu, điều này phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của cán bộ, công nhân. Tuy nhiên, bên cạnh việc bù giá nhiên liệu, các doanh nghiệp cũng đau đầu giải bài toán bù lương và thu nhập cho người lao động.
Theo Quyết định 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội, mức lương cơ sở được tính là 1.200.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định số 38/2019NĐ-CP ngày 9/5/2019 thì từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên là 1.490.000 đồng/tháng (tăng 23%). Theo tính toán của Khu Liên hợp xử lý chất thải Xuân Sơn, trong hai năm 2020 và 2021, đơn vị đã phải bù chênh lệch tiền lương cho cán bộ, công nhân viên, người lao động là 1.371.774.897 đồng. Tình trạng này diễn ra tương tự ở các doanh nghiệp môi trường khác trên địa bàn Hà Nội.
Người đại diện Chi nhánh Xuân Sơn cho biết thêm, theo Quyết định 6841, lương nhân công bình quân hằng tháng trong gói thầu số 6 do đơn vị thực hiện là 4.900.000 đồng/tháng/người với nhân công bậc 3, 5, 7 – nhóm 3 – công ích đô thị (đây là mức áp dụng chung đối với công nhân môi trường). Tuy nhiên, với đặc thù tiếp nhận rác trong điều kiện vô cùng khó khăn nên đơn vị đã phải sử dụng nhiều công nhân thợ bậc cao, có kinh nghiệm trong công tác vận hành máy móc thiết bị và vệ sinh môi trường để giúp tăng năng suất lao động, tăng ca sản xuất, tiết kiệm số lao động “đầu đen”.
Vì vậy, đơn vị đã chi trả thực tế thu nhập cho người lao động bình quân trên 9.206.000 đồng/người/tháng để giữ chân lao động. Ngoài ra, do làm việc trong điều kiện độc hại, đơn vị đã chi phí thêm cho việc chăm lo hỗ trợ chế độ độc hại, bồi dưỡng thuốc bổ mắt, đường chống nóng, các loại vitamin tăng cường sức đề kháng cho người lao động vào mùa hè, dầu gió, trà gừng vào mùa đông; khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động… (Nếu tính cả chênh lệch giá nhiên liệu thì tổng kinh phí chênh lệch tiền lương – giá nhiên liệu giai đoạn 2020 – 2022 (tính đến thời điểm hiện tại) là 10.964.783.000 đồng). Tuy nhiên, sau rất nhiều văn bản kiến nghị, đến nay, việc thanh toán các chi phí chênh lệch (không bao gồm chi phí đơn vị bồi dưỡng thêm cho người lao động) vẫn chưa có hướng giải quyết.
Trao đổi với PV tại Hội nghị Người Lao động Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) diễn ra hôm 22/6/2022, chị Phạm Thị Hòa ở Tổ môi trường số 6, Chi nhánh Hai Bà Trưng cho biết, mức thu nhập bình quân tại thời điểm hiện tại họ đang được nhận là 7.400.000 đồng (cao hơn mức duyệt tại Quyết định 6841 là 2.500.000 đồng). Cũng tại Hội nghị này, phát biểu của đại diện Công đoàn Công ty cho biết, Công ty đang dự kiến nâng mức thu nhập bình quân lên 8.000.000 đồng. Mức tăng như thế sẽ kéo theo mỗi tháng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội sẽ phải chi phí thêm 3 tỷ đồng.
Về việc tạm bù lỗ chi phí nhiên liệu chênh lệch so với giá được duyệt tại các Quyết định, gói thầu và đảm bảo thu nhập bình quân tăng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh doanh của Urenco cho biết, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng xoay trở của Hội đồng Thành viên và Ban Giám đốc, hiện đơn vị đang phải điều tiết, san sẻ lợi nhuận một phần từ các đơn vị thành viên trực thuộc để đảm bảo duy trì hoạt động và thu nhập chung. Mặc dù đây là truyền thống đoàn kết tương trợ rất tốt đẹp của Urenco, song, với những con số chênh lệch lớn như vậy, không thể để một vài Chi nhánh, Công ty con gánh gồng và cũng không thể kéo dài mãi được.
Tuy nhiên, Urenco là đơn vị lợi thế bởi quy mô, cơ cấu lớn, đa dạng hoạt động sản xuất trên lĩnh vực môi trường; còn với các doanh nghiệp môi trường đơn lẻ, việc bù giá đang trở thành gánh nặng đe dọa ngưng trệ hoạt động cũng như nguy cơ phá sản. Vì vậy, nguyện vọng chung của các doanh nghiệp là cần một quyết sách lớn từ UBND thành phố Hà Nội, trước mắt là bù đắp phần chênh lệch giá; đồng thời, có giải pháp điều chỉnh đơn giá các gói thầu để tránh tình trạng nợ chồng nợ, đảm bảo duy trì hoạt động và chất lượng sản xuất.
(Bài 2: Mong chờ những giải pháp môi trường căn nguyên)
Nguồn https://baotainguyenmoitruong.vn/