Trong thời đại vạn vật được kết nối Internet, việc đảm bảo an toàn trên không gian mạng trở thành một thách thức không nhỏ. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt đang tham gia tích cực và bước đầu khẳng định năng lực của mình trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT).
Những thiết bị an ninh “Make in Vietnam”
Trung tuần tháng 6, Tập đoàn BKAV đã gia nhập ngành công nghiệp sản xuất camera với việc ra mắt thương hiệu mới – Camera giám sát an ninh (AI View). Sản phẩm của BKAV được tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu hình ảnh sẽ được xử lý thời gian thực với công nghệ AI ngay tại camera, do đó không cần truyền về server, nhờ vậy sẽ giảm độ trễ trong xử lý thông tin và đảm bảo tính riêng tư cho khách hàng.
BKAV có thể nói là DN tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực này và cũng là một trong những nhà sản xuất đầu tiên trên thế giới tích hợp thành công AI vào camera giám sát an ninh. Đến nay, sau hơn một năm đầu tư, BKAV đã nghiên cứu và phát triển 39 dòng camera, trải khắp các phân khúc từ cao cấp đến trung cấp. Các sản phẩm của BKAV sẽ được xuất khẩu sang Mỹ, một số thị trường châu Âu và tất nhiên là tại cả Việt Nam.
Không lâu sau khi BKAV ra mắt AI view, một đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT là công ty VNPT Technology cũng ra mắt thị trường giải pháp giám sát ngôi nhà thông minh (Home Vision) với thiết bị IP camera. Home vision là giải pháp trọn gói nhưng có khả năng linh hoạt cao. Giải pháp không chỉ hoạt động như một hệ thống giám sát độc lập, mà có thể tích hợp với các hệ thống của bên thứ ba. Home Vision đáp ứng mọi nhu cầu giám sát tại các hộ gia đình, giúp gia chủ yên tâm hơn khi vắng nhà, mang đến một cuộc sống an toàn hơn.
Đặc điểm nổi bật của giải pháp Home Vision là người dùng có thể chủ động lựa chọn loại IP camera theo nhu cầu sử dụng. Với độ phân giải cao, kết hợp với khả năng nhìn ban đêm rõ nét, IP camera dễ dàng phát hiện các chuyển động, thậm chí ở những vị trí không có ánh sáng.
Ngoài ra, các thuật toán phân tích hình ảnh thông minh (IVA) như phát hiện xâm nhập, phát hiện vượt rào ảo được phân tích và xử lý ngay tại camera, không chỉ tối ưu băng thông mà còn giảm nguy cơ rủi ro khi phải gửi các tệp dữ liệu video trên mạng công cộng.
Quan trọng hơn cả, giải pháp do Tập đoàn VNPT làm chủ hoàn toàn về công nghệ. Giải pháp và thiết bị camera hoàn toàn do các kỹ sư trong nước thiết kế, từ phần cứng tới phần mềm, do đó có thể loại bỏ những lo ngại liên quan đảm bảo ATTT.
Trung tâm SOC: Lá chắn thương hiệu Việt trên không gian mạng
Bên cạnh thiết bị camera an ninh, năm 2020 còn đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của các DN Việt Nam trong việc tham gia cung cấp dịch vụ ATTT.
Tháng 7 vừa qua, Bộ TT&TT đã tổ chức lễ ra mắt “Nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin”. Điều đặc biệt là các nền tảng được Bộ TT&TT công bố lần này đều là những nền tảng do các DN trong nước phát triển. 8 nhà cung cấp, bao gồm: Viettel, VNPT, BKAV, FPT IS, CMC Cyber Security, CyRadar, VNCS Global và SAVIS, sẽ cung cấp dịch vụ ra thị trường và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, tạo thành một lá chắn trên không gian mạng cho Việt Nam nói chung.
Là 1 trong 8 DN Việt tham gia cung cấp nền tảng trên, ông Khổng Huy Hùng, Chủ tịch VNCS Global cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam theo định hướng của Bộ TT&TT. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành phối hợp cùng các sở TT&TT, triển khai những hệ thống giám sát an ninh mạng SOC phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh mạng cho các tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh mạng cho quốc gia”.
Có thể nói việc công bố cùng một lúc 8 DN Việt phát triển và cung cấp nền tảng dịch vụ SOC đánh dấu một bước quan trọng trong chiến lược “Make in Vietnam”, một lần nữa khẳng định các DN Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu, phát triển và đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thị trường trong nước và có khả năng vươn ra thế giới.
Nguồn ictvietnam.vn