CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bức tranh môi trường nhiều gam màu sáng

0

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân tại Hội nghị Tổng kết năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tổng cục Môi trường.

Tổng cục Môi trường đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết hiệu quả các vấn đề thuộc phạm vi quản lý. Đặc biệt kiểm soát, giám sát chặt chẽ các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Không để xảy ra sự cố môi trường

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, để kiểm soát ô nhiễm ngay từ khi các cơ sở sản xuất, dự án bắt đầu hình thành, Tổng cục đã tập trung triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai thực hiện Đề án Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc TN&MT; hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, xây dựng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải công nghiệp như QCVN về khí thải công nghiệp nhiệt điện, QCVN về khí thải công nghiệp sản xuất phân bón hóa học.

Đối với các khu khu vực tập trung nhiều nguồn thải như khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Tổng cục đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm thông qua hệ thống quan trắc và các cuộc thanh kiểm tra. Tổng cục đã tiến hành điều tra, đánh giá nguồn thải các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về nước thải có lưu lượng nước thải từ 100m3/ngày.đêm trở lên; các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày.đêm trở lên xả trực tiếp ra sông hoặc các phụ lưu cấp 1 các sông; các KCN, CCN, làng nghề; các khu đô thị, dân cư tập trung… Trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường, đáp ứng yêu cầu cung cấp, chia sẻ thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Với việc đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường; tích cực, chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường Tổng cục Môi trường đã giải quyết được nhiều vụ việc về ô nhiễm môi trường như việc cá chết bất thường trên một số sông như sông La Ngà (Đồng Nai) vào trung tuần tháng 5/2018; vụ việc cá chết trên sông Bồng Miêu (Quảng Nam) vào trung tuần tháng 3/2018; tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường kênh Bắc Hưng Hải; tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam vào tháng 3/2018; vỡ đập chứa Gyps thải của Công ty Cổ phần DAP Lào Cai ngày 7/9/2018; ô nhiễm môi trường do tháo trộm nước rỉ rác ra suối tại Quảng Ninh; sự cố dò rỉ dầu tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; hiện trạng sụt lún gần hồ bùn đỏ, sự cố tràn bùn từ hồ lắng quặng đuôi của Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV…

Không những thế, Tổng cục còn giám sát, kiểm tra những nơi có thể gây ra sự cố môi trường như các công trình xử lý chất thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, tỉnh Hậu Giang, Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; quá trình vận hành dự án của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; các Dự án tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân – Bình Thuận; Dự án Bôxit nhôm Lâm Đồng và các dự án tại Trung tâm điện lực Thái Bình; Dự án “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt” tại tỉnh Quảng Ngãi…

Nhờ chủ động trong việc tiếp cận thông tin, kiểm soát nguồn thải, nên đến nay, đã có 228/283 KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 80,6%), 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt tỷ lệ trên 42%. Việc xử lý các điểm nóng về môi trường nhanh chóng, hiệu quả hơn; đáng nói là không có sự cố môi trường nghiêm trọng nào xảy ra. Qua đó, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận. Giải quyết điểm nóng về môi trường đã chuyển từ thế bị động sang chủ động.

Hoạt động thu gom rác thải trên biển. Ảnh: MH

Nâng cao nhận thức pháp luật BVMT cho địa phương

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ở cơ sở, Bộ TN&MT cũng như Tổng cục Môi trường đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp làm việc với các địa phương. Tổ chức phổ biến, quán triệt, hướng dẫn triển khai dưới nhiều hình thức như hội nghị, hội thảo, văn bản hành chính như: 2 Hội thảo khu vực miền Bắc và miền Nam hướng dẫn Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT; số 09/2018/TT-BTNMT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT về quan trắc môi trường…

Bộ cũng đã tích cực, chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai nhiều hoạt động để đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tiến độ hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tính đến 6/12/2018 là 233/366 cơ sở, đạt tỷ lệ 63,66% (hoàn thành vượt mức 3,39% so với mục tiêu đặt ra. Phối hợp với UBND 4 tỉnh miền Trung triển khai dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung”. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổng hợp, xây dựng và đề xuất 30 bãi rác; 70 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV đặc biệt nghiêm trọng; đầu tư xây dựng 3 dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn từ các đô thị loại IV trở lên. Hỗ trợ cho 5 địa phương để triển khai 24 dự án để xử lý các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV với tổng kinh phí là 88,351 tỷ đồng; đến nay, đã có 5/24 dự án đã hoàn thành xử lý.

Bên cạnh đó, Tổng cục cũng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường với hơn 1.070 kiến nghị về hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về BVMT được tiếp nhận và giải quyết; thông qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập về chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Triển khai hướng dẫn các địa phương rà soát, chuyển đổi và thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Hướng dẫn 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về quy trình xây dựng hồ sơ, đề cử khu Ramsar và khu AHP; phối hợp với Bộ NN&PTNT theo dõi Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012.

Thành công trong thay đổi nhận thức về rác thải nhựa

Không chỉ kiểm soát, giám sát các cơ sở, dự án, nguồn thải lớn; chỉ đạo, hướng dẫn, các địa phương triển khai chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, Tổng cục Môi trường đã tổ chức thành công các sự kiện lớn để tuyên truyền cho cuộc chiến chống rác thải nhựa như: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học năm 2018; Chiến dịch Giờ Trái đất, chuỗi các hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới…

 Bộ TN&MT đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi ni lông khó phân hủy. Song song với đó, Bộ phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước tổ chức các chiến dịch Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư… Cùng với đó, Bộ đi tiên phong trong việc nói không với rác thải nhựa.

Cuộc chiến với rác thải nhựa bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Đến nay, Bộ TN&MT đã sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo. Hầu hết, các cơ quan trong Bộ đã không sử dụng chai nhựa, túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động hàng ngày. 12 doanh nghiệp cam kết: Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, 22 Đại sứ quán và tổ chức quốc tế cũng đã tham gia ký kết bộ Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa.

Với các chiến dịch tuyên truyền rầm rộ trên khắp cả nước, người tiêu dùng đã bước đầu nhận thấy tác hại của rác thải nhựa và dần dần thay đổi nhận thức. Điều này được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như tại các quán ăn người dân dùng ống hút bằng giấy, bằng tre để thay thế ống hút nhựa; nhiều người đi chợ đã mang theo làn đựng đồ để hạn chế sử dụng túi ni lông. Đơn cử như ở khối 4, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, nhiều tháng nay, hình ảnh các mẹ, các bà xách làn nhựa đi chợ mỗi sáng dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Hay như ở Cù Lao Chàm, UBND thành phố Hội An đã chuyển phát miễn phí đến cho bà con ở đây gần 2.000 giỏ đi chợ bằng nhựa sử dụng nhiều lần và gần 10.000 bao túi thân thiện với môi trường (tự huỷ sau 3 tháng) cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh. Người dân khuyến khích đi chợ mang theo giỏ nhựa đựng hàng.

Nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.