Bộ TT&TT cho rằng, với thực trạng hiện nay, nếu không có sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp, mục tiêu 100% bộ, tỉnh cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 sẽ không thể đạt được.
27 bộ, tỉnh cung cấp dưới 10% dịch vụ công trực tuyến mức 4
Tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là bộ, tỉnh) phải cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 là một chỉ tiêu đã được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025.
Bộ TT&TT cũng nhận thức rõ chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là một trong các chỉ tiêu quan trọng nhất của Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu cuối cùng là cung cấp dịch vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Mục tiêu nêu trên càng đặc biệt có ý nghĩa khi cả xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới, hoạt động nhiều hơn trên môi trường mạng; thực hiện mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Cũng vì thế, thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục đôn đốc các bộ, tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến tháng 8/2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trung bình cả nước mới chỉ là 17,97%, còn rất thấp so với mục tiêu Chính phủ đã đặt ra. Đặc biệt, có 5 bộ và 22 tỉnh đạt tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ít hơn 10%.
“Với thực trạng này, nếu không có sự quyết tâm, vào cuộc của lãnh đạo cao nhất cơ quan nhà nước các cấp, mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ không thể đạt được”, Bộ TT&TT nhận định.
Tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức ngày 26/8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu các bộ, tỉnh đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trong năm 2020.
Đẩy nhanh hơn nữa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4
Nhằm đốc thúc các bộ, tỉnh đẩy nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ngày 10/9, Bộ TT&TT đã tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp quyết liệt.
Cụ thể, theo Bộ TT&TT, với điều kiện hiện có, các bộ, tỉnh cần khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020 và xem xét, triển khai theo mô hình nền tảng để tiết kiệm chi phí, thời gian; hướng tới năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4. “Cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải hiệu quả, tránh hình thức”, Bộ TT&TT lưu ý.
Bên cạnh đó, thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh với 2 hệ thống thông tin gồm: Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT để phục vụ đánh giá hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc của Bộ TT&TT để hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến, giúp nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến từ mức 3 lên mức 4.
Các bộ, tỉnh cũng được đề nghị hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh (LGSP) trong tháng 10/2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô toàn quốc, tạo điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Theo thống kê, đến trung tuần tháng 8/2020, khoảng 83,70% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh. Số bộ, ngành, địa phương đã kết nối nền tảng LGSP với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 77 đơn vị, gồm 55 tỉnh và 22 bộ, ngành.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh giao đơn vị chuyên trách về CNTT (đối với các bộ), Sở TT&TT (với các tỉnh) là đầu mối tổ chức triển khai các nội dung trên, trước ngày 20 hàng tháng gửi báo cáo về hiện trạng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tại bộ, tỉnh qua phần mềm tại địa chỉ https:bcudcntt.aita.gov.vn, để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
27 bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dưới 10% gồm có 5 bộ (KH&CN, NN&PTNT, Tư pháp, GD&ĐT, LĐTB&XH) và 22 tỉnh, thành phố (Tây Ninh, Thanh Hóa, Gia Lai, Bạc Liêu, Hải Phòng, Kon Tum, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Sơn La, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Yên Bái, Đồng Tháp, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Giang, Khánh Hòa, Cao Bằng).
Theo ICTNews