Theo Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chất lượng không khí triển khai.
* Chủ trì 4 nhiệm vụ
Dự thảo Chỉ thị nêu rõ vai trò của Bộ TN&MT. Thứ nhất, Bộ TN&MT có chức năng tham mưu để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng và ô nhiễm không khí xuyên biên giới; nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp quản lý môi trường không khí liên vùng giữa các địa phương; bổ sung các công cụ quản lý để kiểm soát ô nhiễm không khí hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Thứ hai, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải của nguồn di động và cố định, không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Thứ ba, Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ và đôn đốc hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhanh các nhiệm vụ ưu tiên đã giao; ban hành hướng dẫn kỹ thuật về Kế hoạch quản lý chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ tư, Bộ TN&MT tăng cường đầu tư mạng lưới quan trắc không khí tự động, liên tục; đa dạng hoá phương thức công bố thông tin về chất lượng môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng để cộng đồng có thể tiếp cận và nhận thức chính xác mức độ ô nhiễm không khí cũng như biện pháp phòng ngừa phù hợp.
* Hướng dẫn kiểm soát ô nhiễm không khí
Kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí cần sự phối hợp khoa học và hiệu quả của các các Bộ ngành có liên quan. Theo đó sẽ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT chủ động xây dựng các quy định và hướng dẫn, đề xuất giải pháp, tổ chức thực hiện việc kiểm soát nguồn phát thải bụi, khí thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của từng Bộ ngành chức năng để tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát nguồn thải khí thải gây ô nhiễm không khí từ các lĩnh vực của giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, hoạt động xây dựng, hoạt động sản xuất nông và các hoạt động liên quan khác.
Trong dự thảo nêu ra nhiều nội dung mà Bộ TN&MT sẽ thực hiện để hướng dẫn quản lý chất lượng không khí ở từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo đó, Bộ TN&MT dự kiến sẽ xây dựng chương trình, đề án quốc gia phát triển phương tiện giao thông vận tải, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường để dần thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các loại xe điện, giảm phương tiện cá nhân.
Đồng thời tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải phương tiện giao thông vận tải; lộ trình thay thế các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các phương tiện gây ô nhiễm môi trường bằng các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường.
Bộ TN&MT chịu trách nhiệm hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng các công trình giao thông đô thị, yêu cầu có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế, giảm thiểu bụi, các tác động ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan khi thực hiện; phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.
Đối với việc bảo vệ môi trường đối với hoạt động xây dựng, Bộ TN&MT hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình xây dựng; Rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, khoa học về mật độ dân cư với điều kiện giao thông đô thị, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị. Phối hợp với các địa phương khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng các công trình.
Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như: nhiệt điện than, dầu khí, thép, hóa chất và phân bón hóa học, chế biến và khai thác khoáng sản v.v…; quy hoạch hệ thống trạm sạc điện và đảm bảo nhu cầu điện, … lồng ghép trong quá trình quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và địa phương cũng có trách nhiệm của Bộ TNMT.
Bộ TN&MT có trách nhiệm đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe cộng đồng; đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm (người già, trẻ em, học sinh v.v…) trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại. Tổ chức thực hiện việc quan trắc các tác động từ hoạt động của ngành y tế đối với môi trường không khí; thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu ảnh hưởng ô nhiễm không khí tới sức khỏe; tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí từ các lò đốt chất thải y tế.
Theo Monre.gov.vn