CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Họp báo thường kỳ Quý II/2020

0

Sáng ngày 20/7/2020, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã chủ trì buổi Họp báo thường kỳ Quý II/ 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhằm thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí về kết quả đạt được trong Quý II/2020 và kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác Quý III/2020 của Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đang được dư luận xã hội quan tâm cũng được thông tin tới cơ quan thông tấn, báo chí tại cuộc họp.

Tại buổi họp báo, Bộ TN&MT cung cấp thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí một số nội dung chính, gồm: Kết quả công tác nổi bật 6 tháng đầu năm; chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay; Diễn biến khí tượng thủy văn 6 tháng đầu năm 2020 và nhận định xu thế tình hình khí tượng thủy văn thời gian tới; Cảnh báo sớm và chủ động công tác điều tiết nguồn nước cấp cho hạ du dòng chính trên các lưu vực sông trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Lê Công Thành bày tỏ cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã quan tâm và tới dự cuộc Họp báo thường kỳ Quý II/2020 của Bộ TN&MT. Với những kết quả đạt được trong 06 tháng đầu năm 2020 của Bộ TN&MT, Thứ trưởng đánh giá cao sự phối hợp của các cơ quan thông tấn báo chí trong 06 tháng đầu năm đã tập trung tuyên truyền, truyền thông với dấu ấn đậm nét về nhiều chủ đề, nhiều nội dung liên quan công tác quản lý nhà nước như: Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Chính sách quản lý nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Diễn biến khí tượng thủy văn; các điểm nóng về môi trường, đất đai,…
Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tạo động lực tăng trưởng bứt phá và đã đạt được một số kết quả nổi bật về lĩnh vực đất đai, môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra… và điển hình là việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tháo gỡ tháo gỡ các nút thắt, rào cản để thúc đẩy đầu tư trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài; Bộ đã trình Quốc hội dự án Luật bảo vệ môi trường những đột phá về tư duy trong bảo vệ môi trường, đặt môi trường vào vị trí trung tâm của phát triển bền vững; cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính.
Đối với lĩnh vực môi trường, tại buổi Họp báo, được Lãnh đạo Bộ giao cung cấp thông tin nhằm làm rõ một số vấn đề liên quan, Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay. Ông Hoàng Văn Thức cho biết, cho đến nay Việt Nam có 09 khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) được Chương trình con người và sinh quyển thế giới công nhận, thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo, bao gồm: khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, khu DTSQ Quần đảo Cát Bà, khu DTSQ châu thổ sông Hồng, khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang, khu DTSQ miền tây Nghệ An, khu DTSQ Mũi Cà Mau, khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An, khu DTSQ Đồng Nai, khu DTSQ Lang Biang.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu tại Họp báo

Công tác quản lý bảo tồn trong vùng lõi của khu DTSQ có nhiều thuận lợi vì Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật khá đồng bộ. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra là hiện nay là thực thể “Khu dự trữ sinh quyển” không được đề cập trong những chính sách quan trọng như là một thể thống nhất và vì thế cũng không được quản lý một cách chính thống của hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam, mà chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ là vùng lõi (VQG/KBT). Hiện tại, khái niệm khu DTSQ vẫn còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành. Đồng thời, vẫn chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu DTSQ từ cấp trung ương đến địa phương. Thậm chí, các hướng dẫn về các quy định chung đối với quản lý khu DTSQ vẫn còn đang rất thiếu. Mặc dù theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 04/4/2017 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT.
Cũng theo Ông Hoàng Văn Thức, hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn, quy định quản lý dành riêng cho các khu DTSQ. Nguồn kinh phí hoạt động, vận hành các khu DTSQ cũng chưa có quy định cụ thể. Thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, việc quản lý, vận hành các khu DTSQ có những thuận lợi và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức được đặt ra… Công tác quản lý khu DTSQ liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, các thành viên ban quản lý hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm, vì vậy chưa có nhiều tham mưu kịp thời, đầy đủ cho UBND tỉnh trong công tác quản lý, chỉ đạo; nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho công tác quản lý, bảo tồn tại các khu DTSQ còn hạn chế.
Trên cơ sở tồn tại nêu trên, một số đề xuất nhằm tăng cường công tác quản lý các khu DTSQ của Việt Nam thời gian tới được đưa ra, cụ thể như: Kiện toàn công tác quản lý các khu DTST; Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan; Xây dựng Chiến lược phát triển các khu DTSQ; Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các khu DTSQ; Chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức; Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu DTSQ; Tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các khu DTSQ.
Về công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các khu dự trữ sinh quyển, Ông Hoàng Văn Thức chia sẻ: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trình Quốc hội Khóa XIV dự kiến thông qua vào cuối năm 2020. Theo đó, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động lớn đến cảnh quan và môi trường như các dự án tác động đến khu DTSQ sẽ được thẩm định và đánh giá chặt chẽ hơn, sẽ có một chương đánh giá tác động đến cảnh quan và hệ sinh thái.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn bao chí về công tác quản lý, đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển hiện nay, tại buổi Họp báo, Ông Hoàng Văn Thức đã trả lời một số câu hỏi của các phóng viên, nhà báo quan tâm đến một số nội dung như: Việc phê duyệt báo cáo đáng giá tác động môi trường của Dự án Lấn biển Cần Giờ; thông tin về việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của cử tri, đại biểu Quốc hội về vấn đề rác thải trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Sơn; công tác xử lý rác thải nhất là chất thải rắn sinh hoạt tại thành thị và nông thôn; việc cấp phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…
Bế mạc cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cảm ơn sự có mặt của các phóng viên, nhà báo đến từ hơn 40 cơ quan thông tấn báo chí. Thứ trưởng đánh giá cao vai trò của các cơ quan truyền thông, các phóng viên, nhà báo đã vào cuộc đưa tin kịp thời về các điểm nóng trong thời gian qua, thông tin kịp thời đến người dân, doanh nghiệp về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường để giúp cơ quan quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt thông tin và có giải pháp phù hợp.
Thứ trưởng Lê Công thành nhấn mạnh: Trong buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo đã tích cực đưa ra nhiều câu hỏi thể hiện sự quan tâm toàn diện tới mọi lĩnh vực mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao quản lý. Chính sự quan tâm của các cơ quan báo chí đã, đang và sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt thêm nhiều vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, đồng thời truyền tải được những thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục thông tin tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường về các điểm nóng và tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhất là các điểm mới trong Dự thảo Luật.

​Toàn cảnh buổi Họp báo thường kỳ Quý II/2020 của Bộ TN&MT

Theo VEA

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.