CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bổ sung nhiều quy định quản lý TMĐT có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

0

Bộ Công thương đề xuất bổ sung các quy định liên quan đến hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử (TMĐT).

Dự thảo mới sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới trong bối cảnh nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung các quy định đối với hoạt động TMĐT của thương nhân, tổ chức nước ngoài tại các Điều 67a, Điều 67b và Điều 67c.

Quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài

Quy định về thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT tại Việt Nam, Bộ Công Thương nêu ra 2 phương án để lựa chọn.

Phương án 1 quy định cụ thể về khái niệm hoạt động của thương nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động TMĐT tại Việt Nam, theo đó thương nhân, tổ chức nước ngoài được coi là có hoạt động TMĐT tại Việt Nam khi thiết lập website dưới tên miền Việt Nam hoặc website có ngôn ngữ tiếng Việt; hoặc thiết lập sàn giao dịch thương mại điện tử có 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm. Việc đặt ngưỡng có tham khảo số liệu từ kinh nghiệm quốc tế và các giao dịch của các sàn giao dịch TMĐT nội địa.

Phương án 2 không quy định ngưỡng cụ thể mà giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan quy định ngưỡng giao dịch/ lượt truy cập/số đơn hàng theo từng thời kỳ và phù hợp với thực tiễn của hoạt động thương mại.

Bộ Công thương cho rằng sự hiện diện của các công ty lớn về công nghệ và TMĐT trên thị trường Việt Nam được nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia cảnh báo về sự không tương đồng giữa TMĐT và thương mại bán lẻ, trong khi bản chất đều là hoạt động phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Dù theo phương án nào, dự thảo cũng quy định rõ căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước tính toán lượt giao dịch hay lượt truy cập, số đơn hàng từ Việt Nam. Trong đó, 3 căn cứ tính toán chủ yếu được nêu là số liệu báo cáo tự nguyện của tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT xuyên biên giới vào Việt Nam; thông tin thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan khác như hải quan, thuế, cơ quan quản lý Internet (số lượng truy cập), cơ quan ngân hàng (lượng giao dịch) và các nguồn công khai, uy tín.

Điều 67b bổ sung quy định thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, Nghị định 52 không có quy định cụ thể đối với người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT, tuy nhiên, thời gian gần đây nhiều sàn giao dịch TMĐT mở rộng thị trường, tiếp cận các mô hình TMĐT xuyên biên giới và được người tiêu dùng đặt mua. Theo đánh giá, các hoạt động này cũng làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn của thị trường, đặc biệt trường hợp trong quá trình giao dịch phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại của người tiêu dùng, quyền, lợi ích của người tiêu dùng sẽ gặp thách thức lớn, khác biệt cơ bản so với trường hợp phát sinh với chủ thể có hiện diện tại Việt Nam.

Do đó, dự thảo bổ sung để làm rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT khi có người bán nước ngoài. Theo đó chủ sàn sao dịch TMĐT Việt Nam là người chịu trách nhiệm xác thực danh tính của người bán nước ngoài khi cho phép các đối tượng này tham gia mua bán hàng hoá trên sàn; quy định này cũng phù hợp với các quy định về việc xác nhận danh tính của người bán nội địa trên sàn giao dịch TMĐT.

Mặt khác, khi có hoạt động bán hàng hoá của thương nhân, tổ chức nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT, chủ sàn có trách nhiệm yêu cầu người bán nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam thực hiện quyền xuất/nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hoặc là đơn vị hoặc tổ chức thực hiện hoạt động nhập khẩu theo ủy thác của người mua đối với hàng hóa; hoặc yêu cầu thương nhân, tổ chức nước ngoài chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam.

Điều kiện tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp ngoại

Dự thảo Nghị định bổ sung quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ TMĐT. Theo đó, Dự thảo Nghị định nêu rõ: Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường dịch vụ TMĐT phải có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại điểm này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan. Việc đánh giá yếu tố chi phối và vị trí thống lĩnh thị trường được căn cứ vào quy định hiện hành theo pháp luật cạnh tranh, pháp luật doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Theo Bộ Công Thương, việc quy định một số điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cấp bách và cần thiết.

Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực TMĐT Việt Nam phải thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT để đảm bảo “nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài”.

Danh sách này sẽ được Bộ Công Thương công bố trên cơ sở những công bố của các tổ chức chuyên ngành, thông tấn, báo chí quốc tế có uy tín và các tiêu chí khác theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu “bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế” và “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng”.

Theo ICTNews

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.