CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bình Định: Đồng bộ các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học

0

Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định cho biết, thông điệp của Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2024 là “Hãy là một phần của kế hoạch ĐDSH”, góp phần hướng tới mục tiêu toàn cầu đến năm 2050 là “Sống hài hòa với thiên nhiên”. Để lan tỏa thông điệp này, chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ĐDSH và vai trò của ĐDSH trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và lối sống hài hòa với thiên nhiên.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, đề ra một số giải pháp trọng tâm trong công tác bảo tồn ĐDSH, như: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH gắn với phòng ngừa ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH trên địa bàn tỉnh; đầu tư thiết lập hành lang ĐDSH, kết nối Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với một số khu bảo tồn lân cận thuộc địa phận tỉnh Gia Lai và Quảng Ngãi.

Đồng thời, thực hiện các dự án về ĐDSH, như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn và các loài động, thực vật trong tỉnh. Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng. Thực hiện nhiệm vụ thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại, Khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn.

Tỉnh Bình Định đang thực hiện nhiệm vụ thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại. Ảnh: Theo báo Tuổi trẻ

Cùng với đó, tăng cường hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và những khu vực được công nhận Di sản thiên nhiên; áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học…

Được biết, Bình Ðịnh là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học phong phú, nhưng hiện nay, nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, cần ưu tiên bảo vệ. Điển hình là 2 loài vượn má hung và chà vá chân xám thuộc danh sách loài rất nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng; cần được bảo tồn chặt chẽ tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn (huyện An Lão). Loài chình mun, chình bông trên đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ); cá mòi cờ hoa, cá mòi mõm tròn, cá măng sữa trên đầm Thị Nại là những loài thủy sản quý, hiếm, có mức độ nguy cấp cao và cần ưu tiên bảo vệ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 160 loài thực vật thuộc sách đỏ Việt Nam đang bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.