Sau khi có đơn kiến nghị của người dân khu phố 6, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn về việc người dân mắc bệnh ung thư và tử vong do ung thư xảy ra khá nhiều, Sở Y tế Bình Định đã tiến hành khảo sát và có kết quả. Trên cơ sở kết quả của Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường lên kế hoạch tổ chức nghiên cứu, quan trắc, đánh giá chính xác và đầy đủ các điểm có khả năng nhiễm dioxin, kim loại nặng tại phường Trần Quang Diệu.
Người dân khu phố 6, phường Trần Quang Diệu kiến nghị trong hai năm gần đây, số người mắc bệnh ung thư và chết do ung thư xảy ra khá nhiều, họ cho rằng do sống đan xen trong Khu công nghiệp Phú Tài, nhiều nhà máy xả khói, bụi, nước thải ô nhiễm môi trường sống. Đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng có kế hoạch kiểm tra nguồn nước cũng như đánh giá tác động môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn, Phòng Y tế thành phố Quy Nhơn tiến hành khảo sát về tình hình mắc bệnh và tử vong do ung thư, các yếu tố liên quan và điều kiện vệ sinh môi trường, chất lượng nước ăn uống, nước vệ sinh tại khu phố 6, phường Trần Quang Diệu.
Kết quả điều tra nguyên nhân tử vong chung cho tất cả các nguyên nhân trong vòng 5 năm (30/6/2013-30/6/2018) tại khu phố 6, phường Trần Quang Diệu thì số người mắc và tử vong do bệnh ung thư là 13 ca, đã có 10 ca tử vong phân ra các loại ung thư: Ung thư vú 03 ca; ung thư phổi 03 ca; ung thư gan 02 ca; ung thư tủy, thực quản, vòm họng, tuyến giáp mỗi loại 01 ca, ở độ tuổi từ 20 đến 70 tuổi với dân số trong khu phố là 1945 người (nam 06 ca và nữ 04 ca).
Kết quả điều tra các yếu tố môi trường cho thấy tình hình sử dụng hóa chất trước năm 1975: Từ năm 1965 – 1975 Mỹ đóng quân tại khu vực 4, 5, 6 dùng làm khu cố vấn quân sự, trạm sữa chữa ô tô, kho vũ khí, nhà tù chính trị. Năm 1968 -1973 phường Trần Quang Diệu có 04 khu phố 2, 4, 5, 6 bị nhiễm dioxin.
Nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt, người dân sử dụng nước sạch từ nhà máy xử lý nước để ăn uống sinh hoạt. Trước thời gian năm 2005 – 2008, người dân chủ yếu sử dụng giếng đào, các giếng nước này đã có từ lâu, người dân sử dụng để ăn uống nhưng chưa được kiểm nghiệm. Sở Y tế lấy 01 mẫu nước giếng đào dùng cho ăn uống tại hộ gia đình có người mắc, tử vong do bệnh ung thư. Kết quả kiểm nghiệm, mẫu nước dùng cho sinh hoạt và ăn uống tại hộ gia đình bị ô nhiễm do vi sinh vật (Coliform tổng số vượt tiêu chuẩn cho phép). Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư như kiêm loại nặng trong nước chưa được phát hiện.
Trên cơ sở kết quả điều tra tình hình mắc, tử vong do bệnh ung thư tại khu phố 6, phường Trần Quang Diệu, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Định tiếp tục chỉ đạo Sở KH&CN hỗ trợ tạo điều kiện để Sở Y tế thực hiện các nghiên cứu sâu về tình hình ung thư trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT tổ chức nghiên cứu, quan trắc, đánh giá chính xác và đầy đủ các điểm ô nhiễm dioxin tại phường Trần Quag Diệu và tham mưu UBND tỉnh lựa chọn phương án xử lý, cải tạo môi trường nếu nồng độ dioxin tồn lưu vượt quá ngưỡng cho phép.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, Sở TN&MT lập kế hoạch điều tra, đánh giá các điểm có khả năng nhiễm dioxin, kim loại nặng tại khu phố 6, phường Trần Quang Diệu với mục tiêu đánh giá phân loại, xác định các điểm nhiễm dioxin, kim loại nặng tại địa điểm trên. Từ cơ sở đó, đề xuất các phương án xử lý, cải tạo môi trường trong trường hợp phát hiện nồng độ dioxin, kim loại nặng tồn lưu vượt quá ngưỡng cho phép.
Theo baotainguyenmoitruong.vn