CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bảo vệ nghiêm ngặt Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

0

Ngày 1/2/2024, UBND TP. Hải Phòng ban hành quy chế quản lý đối với Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Theo đó, thành phố yêu cầu quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là vùng lõi của khu vực này.

Thành phố Hải Phòng đưa ra 7 nội dung quản lý đối với Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Cát Bà. Trong đó, trọng tâm là các nội dung như: sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Thành phố Hải Phòng yêu cầu việc quản lý tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp các hệ thống sinh thái xã hội, cảnh quan văn hóa với đa dạng các biện pháp can thiệp.

Điều tra, đánh giá, lập kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên

Thành phố Hải Phòng yêu cầu, các nguồn tài nguyên trong KDTSQ Cát Bà phải được điều tra, đánh giá về thành phần loài, nguồn gen, hệ sinh thái, trữ lượng, khả năng tái sinh… đề làm căn cứ lập kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Cùng đó, kế hoạch sử dụng tài nguyên phải gắn với sự cân bằng sinh thái của KDTSQ Cát Bà.

Trên hết, việc bảo tồn đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan. Tp Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tính đến việc thiết lập các ngân hàng gen, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Hải Phòng cấm xây dựng các công trình trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (nguồn: Internet)

Bảo vệ môi trường

Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KDTSQ Cát Bà đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.

Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý nước thải, chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường để ngăn chặn việc phát tán ô nhiễm vào môi trường.

Liên quan đến môi trường sinh thái trong KDTSQ Cát Bà, Tp Hải Phòng yêu cầu không xây dựng các công trình, trừ những công trình phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng lõi – khu vực dành riêng cho bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của khu dự trữ sinh quyển.

Ở vùng đệm – khu vực bao quanh vùng lõi, khu vực góp phần hạn chế hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi, chỉ chấp nhận các công trình xây dựng có kết cấu và vật liệu thân thiện với môi trường; xây dựng hài hòa với cảnh quan tự nhiên, không làm vỡ cân bằng sinh thái.

Với vùng chuyển tiếp – khu vực tập trung đông dân cư, có các hoạt động sinh kế của cộng đồng, việc thực hiện các công trình xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của KDTSQ Cát Bà, quy hoạch xây dựng và phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo…

Thúc đẩy nghiên cứu khoa học

Tp Hải Phòng yêu cầu, hàng năm Ban quản lý KDTSQ Cát Bà phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học trình UBND thành phố và cơ quan có liên quan phê duyệt.

Hoạt động nghiên cứu khoa học chú trọng vào việc thu thập mẫu vật, nguồn gen, vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu vật… Cùng đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hướng tới các giải pháp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…

Khu dự trữ sinh quyền quần đảo Cát Bà có tổng diện tích 26.418,9 ha nằm trên địa bàn thị trấn Cát Bà và 6 xã Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám (thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải) và vùng biển giáp ranh. Đây là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới và là khu rừng đặc dụng có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam. Là Vườn Quốc gia đầu tiên trong cả nước thành lập có đủ cả hệ sinh thái rừng và biển. Năm 2004, Vườn Quốc gia Cát Bà nằm trong quần đảo Cát Bà đã được Unesco công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2023, quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long, trong đó, Vườn chính là một trong những điểm nhấn nổi bật cùng với quần thể các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.