(TN&MT) – Chiến lược quốc gia về Đa đạng sinh học đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ phục hồi và bảo tồn hiệu quả các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm. Đa dạng sinh học (ĐDSH) và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân.
Đây chính là tiền đề cho Bộ TN&MT xây dựng Diễn đàn đối tác về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái, nhằm tạo lập nền tảng, tăng cường trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác và huy động nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH trong thời gian tới.
Tác động nhằm thay đổi hành vi của con người
Theo báo cáo “Đánh giá ĐDSH tại Việt Nam”, Việt Nam đã xác định được hơn 50.000 loài, bao gồm vi sinh vật, thực vật trên cạn và dưới nước, động vật trên cạn, động vật không xương sống và cá nước ngọt, sinh vật biển. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho con người, đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững quốc gia và bảo vệ môi trường, ĐDSH ở Việt Nam vẫn đang bị suy giảm nhanh chóng. Cụ thể: 21% các loài thú, 6,5% các loài chim, 19% các loài bò sát, 24% các loài lưỡng cư, 38% các loài cá và 2,5% các loài thực vật có mạch đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Cập nhật Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đang chủ trì cập nhật Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam, dự kiến có thể công bố vào cuối năm 2023. Trong lần rà soát này, có hơn 50 loài thú đã phải nâng mức độ bảo tồn so với Sách đỏ 2007 do quần thể nhỏ và vùng sống bị thu hẹp. Đây là các loài đang chịu áp lực từ vấn nạn săn bắt và mất sinh cảnh hiện nay.
Trong số đó, hơn 20 loài được xếp vào mức cảnh báo bảo tồn cao nhất CR (Cực kỳ nguy cấp) như các loài vượn, một số loài voọc, nhiều loài trong họ Mèo, một số loài rái cá, các loài tê tê. Ngoài ra, một số loài được đánh giá là chưa ghi nhận được ở ngoài tự nhiên trong khoảng 10 – 20 năm gần đây như hổ, báo hoa mai, mèo cá, trâu rừng… Việc cập nhật sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, huy động nguồn lực, thu hút các nguồn đầu tư cũng như chương trình hợp tác quốc tế; thực thi pháp luật trong bảo tồn ĐDSH nói chung, bảo tồn loài nói riêng.
Nghiên cứu cho thấy, hoạt động của con người là mối đe dọa lớn nhất đối với mất mát ĐDSH. Trong đó, phổ biến nhất là sử dụng tài nguyên sinh học (săn bắn và thu hái các loài động/thực vật, khai thác gỗ và nguồn lợi thủy sản), tiếp đến là hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất canh tác nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Các khu vực có rừng là sinh cảnh bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 km² diện tích đất có rừng đã biến mất. Thực tế công tác bảo tồn loài thời gian qua cũng cho thấy, vẫn còn nhiều thách thức chưa thể giải quyết, như tình trạng suy giảm hệ sinh thái, môi trường sống của nhiều loài động, thực vật trước áp lực phát triển kinh tế; việc săn bắt, sử dụng trái phép ĐVHD ngày càng tinh vi và táo tợn, biến đổi khí hậu làm thay đổi sinh cảnh của nhiều loài…
Thời gian qua, với vai trò cơ quan quản lý về ĐDSH của Việt Nam, Bộ TN&MT đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác bảo tồn loài giữa các bên thông qua việc xây dựng và phát triển Diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD). Trong đó có các cơ quan bảo tồn quốc tế như Tổ chức Bảo tồn động, thực vật thế giới (FFI), Tổ chức động vật châu Á (AAF), Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF); các cơ quan liên quan thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và Môi trường (Bộ Công an), cũng như mạng lưới các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trung tâm cứu hộ của các địa phương.
Các hoạt động phổ biến gồm tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các ban quản lý, vườn quốc gia, khu bảo tồn và cơ quan quản lý ĐDSH địa phương; hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng hồ sơ chuyển đổi cơ sở cứu hộ ĐVHD thành cơ sở bảo tồn ĐDSH; xây dựng các tài liệu hỗ trợ năng lực cho các trung tâm cứu hộ và cơ sở bảo tồn dựa trên nhu cầu thực tiễn. Các chương trình truyền thông bảo tồn loài hoang dã cũng được tích hợp trong truyền thông ĐDSH, với các hoạt động vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài; phối hợp cùng các nhà trường, các tổ chức tôn giáo nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, tín đồ tôn giáo; triển lãm ảnh và truyền thông mạnh mẽ nhân các ngày kỷ niệm quốc tế về loài…
Theo Cục ĐDSH (Bộ TN&MT), việc mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, dự án khác đã tạo sự cộng hưởng, giúp gia tăng hiệu quả công tác bảo tồn rõ rệt. Các chính sách, chỉ đạo và triển khai có sự xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Việc duy trì kết nối và chia sẻ, cập nhật thông tin giúp các đối tác tìm kiếm cơ hội hợp tác dễ dàng hơn, dựa trên nhu cầu thực tế để trao đổi, hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật nhằm đạt được các mục tiêu bảo tồn dài hạn.
Những ưu tiên từ nay đến 2030
Hưởng ứng thông điệp toàn cầu của Liên hợp quốc về “Thập niên phục hồi hệ sinh thái” giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nguy cấp nói riêng.
Từ nay đến năm 2030, một trong những ưu tiên là tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn loài. Bộ TN&MT dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành sửa dổi Luật ĐDSH, nội dung về bảo tồn và phát triển các loài sinh vật; Nghị định sửa đổi Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Nghị định về thành lập và quản lý cơ sở bảo tồn ĐDSH. Bộ cũng sẽ ban hành các thông tư hướng dẫn liên quan.
Việc kiện toàn các quy định của pháp luật sẽ chú trọng các nội dung về sử dụng bền vững các loài sinh vật. Trong đó, thống nhất quản lý loài và danh mục loài theo 3 cấp độ quản lý: Loài nguy cấp được ưu tiên bảo vệ, loài nguy cấp và loài thông thường. Bên cạnh đó, tập trung bảo vệ các loài di cư; phóng sinh, tái thả loài về tự nhiên và phát triển hoạt động du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên. Ngoài ra, sẽ có các quy định về vấn đề dịch bệnh từ ĐVHD.
Theo Cục ĐDSH, giai đoạn này cũng sẽ tăng cường các chính sách, quy định và yêu cầu kỹ thuật nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn tại chỗ, thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái và bảo tồn sinh cảnh hiệu quả. Bên cạnh đó, kiện toàn hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ ĐVHD, đặc biệt, chú trọng xây dựng các quy định, hàng rào kỹ thuật hỗ trợ thanh tra, kiểm tra, giám sát và hoạt động của các khu bảo tồn này.
Các chương trình nhân nuôi tại các cơ sở bảo tồn cũng sẽ được triển khai để tái thả phục hồi quần thể loài trong tự nhiên, theo mục tiêu tại Chương trình Bảo tồn loài ưu tiên bảo vệ. Cùng với đó là tập trung tăng cường thực thi pháp luật về kiểm soát săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD; truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT cũng sẽ thiết lập Diễn đàn đối tác giữa Bộ và các tổ chức về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái. Đây sẽ là nền tảng chia sẻ thông tin, thúc đẩy hợp tác và huy động nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH trong thập niên phục hồi hệ sinh thái đến năm 2030.
Ông Nicholas Cox – Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, WWF:
Cần nâng cao chất lượng rừng Việt Nam
Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự ĐDSH cao nhất thế giới với mức độ đặc hữu cao. Sự đầu tư đáng kể của chính phủ vào các khu bảo tồn, cũng như nỗ lực ở cấp cơ sở đang giúp ngăn chặn đáng kể tốc độ suy giảm ĐDSH. Điều này thúc đẩy WWF cũng như nhiều tổ chức quốc tế quyết định dành ưu tiên đầu tư hỗ trợ lĩnh vực này tại Việt Nam.
Hiện nay, chúng tôi đang hướng tới nâng cao chất lượng rừng và duy trì ổn định các loài quần thể hoang dã ở những tỉnh có giá trị bảo tồn cao. Để làm được điều này, WWF đã phối hợp cùng nhiều tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý, liên kết các ban quản lý rừng trên toàn cảnh quan khu vực các khu bảo tồn để duy trì độ che phủ rừng và kết nối sinh các cảnh quan trọng, bảo vệ những loài động vật đặc hữu và nguy cấp ở Việt Nam.
Các hoạt động chính bao gồm: Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng; tăng cường quản lý rừng đặc dụng và rừng phòng hộ; tăng cường hiệu quả hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm hủy hoại rừng và ĐVHD, đồng thời, giảm nhu cầu tiêu thụ thịt ĐVHD.
TS. Lê Khắc Quyết – Giám đốc Quỹ Bảo tồn loài:
Bảo tồn loài cần dựa vào người dân bản địa
Hiện nay, Quỹ Bảo tồn loài đang hỗ trợ lên tới 50.000 USD/dự án cho các tổ chức địa phương và các tổ chức nghiên cứu thực hiện các hoạt động góp phần bảo tồn các loài ưu tiên trên thực địa. Trong đó, ưu tiên việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán và săn bắt trái phép, nghiên cứu về các đặc điểm sinh học, sinh thái của một hoặc nhiều loài. Đồng thời, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương và xây dựng năng lực bảo tồn cho các tổ chức và các cộng đồng địa phương.
Những giải pháp bảo tồn cần đặt ý kiến của cộng đồng tại địa phương làm trung tâm, bởi chính họ mới hiểu rõ đặc trưng tự nhiên nơi đó, và lồng ghép một cách hiệu quả công tác bảo tồn với phát triển sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên để bảo tồn loài bền vững.
Ông Hoàng Quốc Huy -Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet):
Bảo vệ loài cần đi đôi với phát triển kinh tế vùng
Chúng tôi khuyến khích các khu bảo tồn, vườn quốc gia xây dựng kế hoạch bảo tồn bền vững theo giai đoạn với các mục tiêu cụ thể. Kế hoạch có sự tham gia của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và cộng đồng địa phương. Qua đó, các hoạt động triển khai sẽ có trọng tâm, trọng điểm.
Đặc biệt, cần chú trọng vấn đề nâng cao nhận thức cho người dân địa phương về cách thức bảo tồn loài, vai trò đối với môi trường và hệ sinh thái khu vực, nếu loài biến mất thì sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, nếu làm tốt các giải pháp phát triển sinh kế, bảo vệ và phát triển rừng đi kèm bảo tồn loài, họ cũng sẽ hưởng lợi từ khai thác các loại lâm sản, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng và môi trường sống trong lành hơn. Việc có những loài đặc hữu sẽ tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch sinh thái tại khu vực đó và cũng mang tới thêm nguồn thu gián tiếp cho người dân.
Trích nguồn: baotainguyenmoitruong.vn