CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bảo tồn đa dạng sinh học ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

0

(TN&MT) – Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa bàn 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ở đây có rất nhiều cánh rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn. Đây còn là nơi cư trú của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hơn 200km về hướng Tây Bắc. Là một trong những KBT lớn nhất nhì Việt Nam, đây còn là nơi cư trú của nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm. Vì vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học KBTTN có ý nghĩa rất quan trọng cả về hệ sinh thái lẫn rừng phòng hộ sông Đà.

Cán bộ khu BTTN Mường Nhé tuyên truyền nâng cao nhận thức, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học cho nhân dân các xã vùng đệm.

Thảm thực vật ở KBTTN Mường Nhé được mô tả bao gồm: Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, kiểu rừng kín nửa rụng lá hơi khô nhiệt đới, kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới cây lá rộng.

Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng cây lá kim, kiểu rừng rụng lá hơi khô á nhiệt đới (hiện chỉ còn là các phân kiểu thứ sinh nhân tác bao gồm rừng thứ sinh rụng lá hơi khô á nhiệt đới sau khai thác, rừng thứ sinh rụng lá hơi khô á nhiệt đới sau nương rẫy, trảng cây bụi thứ sinh rụng lá hới khô á nhiệt đới và trảng cỏ thứ sinh hơi khô á nhiệt đới) cùng với các quần xã cây trồng. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rừng kín hiện nay chỉ xuất hiện ở vành đai á nhiệt đới với kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới cây rộng và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới hỗn giao cây lá rộng cây lá kim. Các trạng rừng rụng lá và nửa rụng lá là một nét đặc trưng cho rừng ở Tây Bắc vào mùa đông.

Điều tra, đánh giá thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học tại KBTTT Mường Nhé

Ở các trạng thái thứ sinh, tổ hợp loài ưu thế bao gồm cả những loài ưa sáng, mọc nhanh và các loài đặc trưng cho trạng thái rừng kín. Do vậy, nếu thảm thực vật ở Mường Nhé được bảo vệ để tái sinh, phục hồi tự nhiên thì các kiểu rừng kín vốn đã mất đi ở vành đai nhiệt đới trước đây sẽ có nhiều hy vọng phục hồi trong thời gian tới, đồng thời các trạng thái thứ sinh ở vành đai á nhiệt đới sẽ trở thành rừng kín và khi đó thảm thực vật của Mường Nhé sẽ đạt được trạng thái ổn định nhất, góp phần không nhỏ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH)

Về đa dạng các loài động vật có xương sống: Tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ đã được ghi nhận tại KBT (Kinh tế nông thôn, 2018). Các nghiên cứu về loài Bò sát- ếch nhái cũng được thực hiện và có nhiều kết quả tích cực cụ thể: Theo tác giả Nguyễn Văn Sáng (1991) ghi nhận 9 loài ếch nhái thuộc 4 giống, 3 họ tại KBTTN Mường Nhé, đến năm 2014 nghiên cứu của Lê Trung Dũng và cộng sự đã xác định 12 loài ếch nhái thuộc 7 giống có phân bố tại KBT, đặc biệt tác giả đã xác định phân bố mới của 3 loài ếch cây tại KBTTN Mường Nhé gồm: Ếch cây phê, ếch cây sần nhỏ và Nhái cây tí hon. Đến năm 2018 tổng số 28 loài bò sát , ếch nhái thuộc 2 lớp, 2 bộ và 10 họ đã được ghi nhận tại KBT ( Kinh tế nông thôn, 2018) trong đó, 9 loài hiện mới được xác định giống, KBT cũng đã tiến hành chụp 81 loài Chim, quay phim 31 loài, 26 loài Bò sát- ếch nhái, thực hiện thu nhập 320 mẫu vật các loài chim và 224 mẫu vật các loài bò sát- ếch nhái thông thường, làm tư liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên tại KBTTN Mường Nhé.

KBTTT Mường Nhé thả 1 cá thể khỉ mặt đỏ (quý hiếm) về rừng.

Tuy vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dang sinh học tại KBTTN vẫn còn những khó khăn như: Cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đáp ứng được nhu cầu, đời sống nhân dân vùng đệm còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, dân di cư tự do vào rừng để phá rừng làm nương rãy, khai thác lâm sản và săn bắt động vật rừng trái phép vẫn diễn ra. Vì vậy, để điều tra đánh giá hệ sinh thái rừng đa dạng sinh học, đề xuất các giải pháp bảo tồn ĐDSH và quản lý rừng bền vững tại KBTTN Mường Nhé là hết sức cần thiết, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH tại KBT.

Thời gian tới, Ban Quản lý KBT sẽ đấy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo vệ ĐDSH cho người dân sống trong vùng đệm KBT, ứng dụng công nghệ thông tin và GIS vào công tác điều tra, giám sát ĐDSH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vị phạm pháp luật về lâm nghiệp. Bên cạnh đó, có chính sách phù hợp thu hút sự đầu tư hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thực hiện chương trình dự án nghiên cứu khoa học tại KBT đặc biệt là các đề tài dự án bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị bảo tồn cao.

Có thể nói, vai trò và tầm quan trọng của rừng đối với con người. Riêng đối với việc bảo toàn Khu bảo tồn thiên nhiên ở Mường Nhé, ngoài ý nghĩa quan trọng cả về hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học, tác dụng phòng hộ đầu nguồn thì còn có tác dụng nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.