CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Báo cáo môi trường 2019 nêu 5 nhóm vấn đề môi trường nổi bật

0

Theo Báo cáo môi trường 2019, có 5 nhóm vấn đề môi trường nổi bật liên quan tới chất lượng không khí trong các đô thị lớn; ô nhiễm nước mặt; rác thải sinh hoạt; nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Chất lượng không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp, ô nhiễm bụi gia tăng cả về không gian và thời gian

Tình trạng ô nhiễm bụi tại một số đô thị lớn, khu vực đông dân cư có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là bụi mịn PM­­2.5. Tại Tp. Hà Nội vào một số thời điểm trong một số ngày đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức rất xấu, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân chính ô nhiễm bụi mịn tại các đô thị lớn là do số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm (tại Tp. Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; Tp. Hồ Chí Minh là 700 nghìn ô tô và 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại Tp. Hồ Chí Minh); cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..), riêng tại Tp. Hồ Chí Minh có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải; sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng Tp. Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày). Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả CTNH không đúng quy định tại một số địa phương; do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt.

Ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện

Với hơn 10 triệu m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày, trong năm có hơn 32 triệu m3 nước thải chăn nuôi, gần 16 tỷ m3 nước thải nuôi trồng thủy sản và lượng lớn nước thải từ các làng nghề trong đó phần lớn chưa được xử lý thải ra môi trường nước hồ, sông, kênh, rạch, nhất là khu vực đô thị, khu dân cư và vùng lân cận đang làm cho môi trường nước mặt các khu vực này bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ô nhiễm hữu cơ, các chất dinh dưỡng, chất tẩy rửa, vệ sinh.

Trên phạm vi cả nước hiện chỉ có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 13%, trong đó tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35. Tp. Hồ Chí Minh, hiện mới chỉ có 03 nhà máy xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động, nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại – dịch vụ (không bao gồm nước thải từ KCN) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố đạt khoảng lệ 21,2%; Tp. Hà Nội có 06 nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động nhưng cũng chỉ xử lý được khoảng 22% tổng khối lượng nước thải sinh hoạt, còn 78% khối lượng nước thải sinh hoạt phát sinh vẫn thải thẳng ra môi trường. Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Theo thống kê, cả nước có 3.210 xã và 19,5 nghìn thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, chỉ chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn, tuy nhiên hầu hết các hộ gia đình chỉ áp dụng biện pháp xử lý sơ bộ (bể phốt), nước thải sinh hoạt hầu như không được thu gom và xử lý. Nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, nông thôn chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.

Tại một số LVS chính, nhất là LVS Nhuệ – Đáy, sông Bắc Hưng Hải, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai đoạn chảy qua các đô thị, khu dân cư ô nhiễm nước mặt vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa khô khi khi lưu lượng dòng chảy trên các sông này giảm mạnh. Cùng với đó là tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây ô nhiễm, tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy, nhiều dòng sông không còn khả năng tự làm sạch do không có dòng chảy hoặc có nhưng không đáng kể và đã biến thành nơi dẫn, tiêu thoát, chứa nước thải.

Thực tế cho thấy, các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung mang tính công ích, đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng việc thu hồi vốn chậm nên khó kêu gọi đầu tư xã hội hóa hoặc tư nhân tham gia mà chủ yếu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ nguồn ngân sách hạn hẹp, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân và dự báo đây vẫn là vấn bức xúc trong thời gian tới.

Rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước

Trong năm 2019, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên phạm vi cả nước đều tăng lên ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn rác thải tiếp nhận tại các bãi chôn lấp chưa được phân loại theo các mục đích tái sử dụng, tái chế, phải tiêu hủy; hoạt động phân loại tại nguồn mới áp dụng thí điểm tại một số nơi, tuy nhiên chưa được triển khai một cách có hệ thống, bài bản nên phần lớn không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, hiện nay có đến hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, các bãi chôn lấp lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, gây ô nhiễm nguồn nước, phát tán mùi khó chịu ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân các vùng xunh quanh. Tại khu vực nông thôn, nhiều địa phương đã có đơn vị chuyên trách trong việc thu gom rác thải nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ, phương tiện thu gom còn thô sơ, đặc biệt có đến 30 – 60% lượng CTR chăn nuôi (tùy từng vùng) không được xử lý, thải trực tiếp lẫn với chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, vấn đề rác thải điện tử, túi nilon không được thu gom, xử lý đúng cách đang trở thành vấn đề môi trường đáng lo ngại của Việt Nam.

Nhiều địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt CTR với công suất nhỏ, phục vụ việc xử lý CTR sinh hoạt cho một vùng nông thôn hoặc cho một khu vực dân cư. Tuy nhiên, các lò đốt cỡ nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải hoặc hệ thống xử lý khí thải không đạt yêu cầu về môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất ô nhiễm thứ cấp phát sinh, đặc biệt là đối với Dioxin/Furan đồng thời không phù hợp với mục tiêu xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung.

Hàng năm, các địa phương đều đã bố trí một phần ngân sách cho công tác thu gom, vận chuyển, nâng cấp, cải tạo các bãi rác hiện hữu, cũng như đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải mới. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, khó khăn về kinh phí đầu tư và vướng mắc trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là tại các thành phố lớn dẫn tới tiến độ hoàn thành dự án chậm. Tương tự như các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, các dự án xử lý rác thải sinh hoạt cũng gặp khó khăn khi kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân, xã hội hóa.

Nguy cơ xảy ra sự cố tác động đến cộng đồng do các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm xen lẫn trong các khu dân cư

Hiện nay, ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm xen lẫn trong các khu dân cư, khu vực đô thị, kể cả  làng nghề. Đây là những cơ sở có lưu giữ hóa chất độc hại hoặc phát sinh CTNH, các chất ô nhiễm độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân xung quanh. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã phân loại các cơ sở này theo các nhóm: nhóm cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường nặng; nhóm gây ô nhiễm môi trường nhưng có thể khắc phục bằng các biện pháp công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm; nhóm cơ sở sản xuất phải di dời theo quy hoạch xây dựng để thực hiện các dự án, chương trình di dời vào các KCN, CCN. Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn hết sức chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau nên nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường từ các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu đô thị, khu dân cư vẫn luôn hiện hữu. Điển hình là sự cố cháy nổ hóa chất tại Công ty Cổ phần phích nước Rạng Đông trên địa bàn Hà Nội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, sức khỏe và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy này.

Từ sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Bộ TN&MT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng rà soát toàn bộ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, loại hình sản xuất, kinh doanh phát sinh CTNH, các chất ô nhiễm độc hại nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cộng động và BVMT sinh thái. Đã đến lúc chính quyền các địa phương cần quyết liệt, thực hiện đúng lộ trình và quy định của pháp luật trong việc di dời các cơ sở này ra khỏi khu dân cư.

Loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với công nghệ lạc hậu tiếp tục được thu hút đầu tư, quy hoạch, quản lý còn bất cập

Loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là sản xuất, kinh doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh lưu giữ lượng lớn hóa chất độc hại, phát sinh lượng lớn CTNH, chất ô nhiễm độc hại đối với môi trường và con người.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như luyện kim màu, chế biến khoáng sản độc hại, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hoá dầu, nhiệt điện, hóa chất, phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất xi măng…Nhiều cơ sở sản xuất thuộc loại này vẫn còn nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khu vực nhạy cảm về môi trường.

Trong năm 2019, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với gấn 65% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, rất nhiều dự án quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, hóa chất…vẫn tiếp tục được đầu tư vào nước ta. Đây là những loại hình sản xuất phát sinh CTNH, chất gây ô nhiễm có tính độc hại cao đối với môi trường và con người, có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường nhất là các cơ sở sản xuất lớn, có vị trí ở những khu vực nhạy cảm về môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của các cấp, các ngành và của xã hội còn chưa đầy đủ, nhất quán về chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; công tác quy hoạch, định hướng ngành, lĩnh vực, địa bàn thu hút đầu tư chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ; việc thực hiện thu hút đầu tư còn nhiều bất cập. Để phát triển bền vững, cần phải kiên quyết không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động, thu hút đầu tư đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên; thực hiện việc thu hút, sàng lọc dự án đầu tư trên cơ sở tuân thủ phân vùng môi trường và quy hoạch BVMT.

Nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.