CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, QUAN TRẮC ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bài học từ các mô hình phân loại rác tại nguồn

0

Từ kết quả thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương rút ra kinh nghiệm cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện đồng bộ, rộng khắp hơn trong thời gian tới.

Xây dựng kế hoạch thực hiện

Đoàn công tác của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương vừa tiến hành khảo sát tại một số địa điểm thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP.Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một. Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ làm việc lại 9 huyện thị, thành phố để triển khai lại kế hoạch cụ thể năm 2024.

Tại Thành phố Dĩ An, ngoài thực hiện thí điểm ở khu phố Nhị Đồng 2 với 400 hội dân, thành phố đã chủ động mở rộng phạm vi thực hiện đến các địa bàn ở phường Đông Hòa, An Bình và Tân Đông Hiệp. Từ đó hiệu quả của chương trình đã được lan truyền, mở rộng hơn, người dân dần hình thành ý thức cao, tự giác trong việc phân loại rác.

Tại thành phố Thuận An, việc phân loại CTRSH tại nguồn tiếp tục được thực hiện tập trung ở phường Lái Thiêu. Thông tin từ UBND phường Lái Thiêu cho biết: Đến thời điểm này, phường đã triển khai thực hiện tại 11 trường học từ cấp mầm non đến THPT, các cơ quan và các hộ dân trên một số tuyến đường chính. Trước đây 1 ngày đơn vị thu gom chỉ 1 lần, bây giờ ngày thu gom 2 lần, mỗi lần một loại rác (chất thải thực phẩm và chất thải rắn tái chế), CTRSH khác sẽ thu gom tuần 1 lần.

Từ kết quả thực hiện trong giai đoạn đầu thí điểm, Sở TN&MT tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ như ban hành văn bản thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, ban hành kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025…Đáng chú ý, kế hoạch phân loại CRTSH tại nguồn sẽ được thực hiện đồng bộ rộng khắp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vào năm 2025.

Năm 2024 Sở TN&MT tỉnh và một số huyện, thị xã sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Ax dựng kế hoạch thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó tiếp tục xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Đồng thời, phối hợp với các địa phương nghiên cứu hình thức bao bì, túi đựng CTRSH phù hợp, xây dựng đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH… Chậm nhất ngày 31/12/2024 sẽ đồng loạt triển khai phân loại CTRSH tại nguồn theo kế hoạch của tỉnh, địa phương nào có hạ tầng tốt sẽ thực hiện sớm hơn để đạt được mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Rác thải sinh hoạt được phân loại thành 3 nhóm chính (Ảnh minh họa)

Tạo chuyển biến cơ bản trong ý thức

Tại Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Lương vừa chủ trì Hội nghị đánh giá công tác triển khai thực hiện Kế hoạch phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện năm 2024.

Sau một thời gian ngắn triển khai Kế hoạch phân loại, thu gom và xử lý CTRSH trên địa bàn huyện đã tạo chuyển biến cơ bản trong ý thức và kiến thức bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống quản lý, hoàn chỉnh mạng lưới phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt từng khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn.

Tại Hội nghị các đơn vị, địa phương cũng chỉ ra một số hạn chế trong triển khai thực hiện công tác phân loại, thu gom và xử lý CTRSH, như: Việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt của một số hộ, gia đình, cá nhân chưa đảm bảo theo quy định, vẫn còn tình trạng tập kết rác thải không đúng nơi quy đinh, gây mất mỹ quan, khó khăn trong cho công tác thu gom, xử lý. Trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu đề ra…

Để đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu về môi trường trong xây dựng huyện đạt chuẩn, lãnh đạo huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn chủ động, nghiêm túc triển khai, thực hiện Kế hoạch của UBND huyện về phân loại, thu gom và xử lý CTRSH trên địa bàn và Phương án của Ban quản lý Môi Trường-Đô thị huyện về việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn huyện năm 2024.

Đối với UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, bố trí điểm tập kết rác, thống kê, cập nhật số liệu về tỷ lệ thu gom, tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn đối với từng hộ, gia đình. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, phát động, nhân rộng các mô hình điển hình trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần bảo vệ môi trường, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt.

Trích nguồn monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.