CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Tham vấn góp ý hoàn thiện dự thảo “Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên”

0

Ngày 25- 26/12/2023 tại Vĩnh Phúc, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (gọi tắt Dự án BR) tổ chức hội thảo tham vấn góp ý, hoàn thiện dự thảo “Đề án quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên”.

Hội thảo tham vấn góp ý, hoàn thiện dự thảo “Đề án quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên”

Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, cùng các đại biểu, chuyên gia đến từ các bộ, ban, ngành, hiệp hội và các trường Đại học.

Tại Hội thảo, ông Lê Văn Hữu Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học nêu rõ: “Quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên đóng vai trò then chốt quan trọng trong việc quản lý và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự sẽ đóng góp quan trọng để hoàn thiện dự thảo.”

Ông Lê Văn Hữu, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu tại Hội thảo. 

Trong khuôn khổ hội thảo tham vấn ý kiến, nội dung chính được trình bày bao gồm: Tổng quan các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường đối với các khu di sản thiên nhiên; Tổng quan đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên do Phòng quản lý Di sản thiên nhiên Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học trình bày. Ngoài ra các vấn đề về cơ sở pháp lý xây dựng đề án, quan điểm  mục tiêu, đối tượng phạm vi, phương pháp xây dựng đề án, nhiệm vụ trọng tâm, nguồn lực, tổ chức thực hiện và hiện trạng của một số di sản thiên nhiên tại Việt Nam hiện nay cũng được đưa ra trong hội thảo. Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã rất tích cực và trách nhiệm thảo luận, góp ý cho dự thảo.

Đại diện Phòng quản lý Di sản thiên nhiên (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học) trình bày báo cáo tại Hội thảo.

Đại diện Phòng Quản lý di sản thiên nhiên thuộc Cục Bảo tồn Thiên nhiên và đa dạng sinh học nhấn mạnh đến tính cấp thiết của đề án: “Thực tiễn đặt ra đối với di sản thiên nhiên hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là năng lực quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cho đối tượng. Cần sớm khắc phục các vấn đề còn hạn chế nhằm xây dựng pháp lý, quản lý thống nhất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đất nước bền vững”.

Các ý kiến tại Hội thảo đều tập trung vào nội dung Đề án, cho rằng: Hiện nay, trên cơ sở có rất nhiều Luật có nội dung đưa ra hình thức các cấp độ khác nhau về Quản lý Di sản thiên nhiên ở Việt Nam, cần thiết phải phân ra bảo vệ môi trường và Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên là vô cùng cấp thiết. Đề án cần cụ thể hơn, xác loại hình các hoạt động bảo vệ môi trường trong các di sản thiên nhiên. Phối hợp, tiếp cận theo phương thức phân mảnh trong thực hiện Đề án này. Giải quyết được những tồn tại hiện nay như: trong cơ chế chính sách, nguồn kinh phí, xây dựng đề xuất, đề án, nhiệm vụ đề tài. Đồng thời, tập trung tăng cường phát triển nguồn lực nhằm từng bước nâng cao năng lực quản lý, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên. Để quản lý bảo vệ môi trường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên cần đánh giá hiện trạng các Di sản thiên nhiên hiện nay để rút ra được các vấn đề còn tồn tại, tập trung chính các tồn tại đó. Khó khăn thuận lợi, thu gọn nhiệm vụ và cụ thể hoá hơn. Đưa nội dung bám sát hiện trạng và giải quyết được các tồn tại, sau đó đề xuất về các nhiệm vụ đáp ứng về các yêu cầu quản lý. Do đó, xây dựng chính sách, hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường quản lý các di sản thiên nhiên là rất cần thiết để giải quyết các vấn đề còn thiếu sót trong Pháp luật quy định, từng bước hoàn thiện, đồng thời tăng cường biện pháp giám sát để đạt hiệu quả của quản lý, từng bước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Đồng thời, phải tăng cường đào tạo tập huấn, tuyên truyền, huy động xã hội cùng thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để kế thừa và thực hiện. Đề án được thực hiện sẽ giúp rất nhiều các cơ quan, đơn vị căn cứ nghiên cứu để triển khai đầy đủ các yêu cầu về quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học để ưu tiên, triển khai thực hiện. Điều tra, đánh giá định kỳ di sản thiên nhiên; cập nhật kết quả điều tra, đánh giá vào cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật có liên quan (tại khoản 1, 2 của Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); Lồng ghép nội dung quy chế, kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vào quy chế, kế hoạch quản lý Vườn quốc gia và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (tại điểm a khoản 6 Điều 21 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP). Đề xuất thực hiện nhiệm vụ, dự án, đề tài có liên quan đến bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học theo lộ trình, báo cáo và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, cần thiết để đẩy mạnh công tác phối hợp với các tổ chức bảo tồn quốc tế, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thực hiện quản lý khoa học, có thể kế thừa các kinh nghiệm cơ sở dữ liệu về các di sản thiên nhiên, mạng lưới Ram sa, mạng lưới bảo tồn,…

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các hiệp hội. Những ý kiến này sẽ là cơ sở để Ban soạn thảo hoàn thiện dự thảo, từ đó xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường hơn nữa về việc quản lý thống nhất trong công tác bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên tại các di sản thiên nhiên của Việt Nam./.

CEBID

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.