CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Bể “các-bon xanh” từ rừng ngập mặn

0

(TN&MT) – Hệ sinh thái rừng ngập mặn có khả năng tích trữ các-bon nhiều hơn ít nhất 4 – 5 lần so với rừng trên cạn. Bởi vậy, bên cạnh lợi ích về thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) và cải thiện sinh kế, rừng ngập mặn hoàn toàn có thể được xem là một giải pháp giảm phát thải khí nhà kính quan trọng trong các kế hoạch ứng phó BĐKH quốc gia và địa phương có rừng.

Xác định tiềm năng lưu trữ các-bon

Rừng ngập mặn mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng đây lại là loại rừng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân, đóng góp vào tăng trưởng xanh.

7b.jpg
Phát triển rừng ngập mặn giúp giảm phát thải khí nhà kính

Theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam khoảng 200.000ha. Với diện tích này, Việt Nam đứng top đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Qua thí điểm tính toán lượng

các-bon rừng ngập mặn tại 6 tỉnh thuộc các vùng sinh thái khác nhau, kết quả cho thấy, trữ lượng các-bon của rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 245 tấn/ha. Điển hình, tổng trữ lượng các-bon tích lũy trong rừng ngập mặn tại tỉnh Quảng Ninh khoảng trên 3 triệu tấn, TP. HCM 15,7 triệu tấn, Cà Mau 12,7 triệu tấn.

Trong đó, trung bình lượng các-bon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%. Còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn (độ sâu khoảng 30cm).

Chia sẻ về đóng góp của rừng ngập mặn trong các kế hoạch đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của các quốc gia theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, bà Clea PazRivera – chuyên gia thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc cho biết: Bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn có tiềm năng lớn để trở thành một giải pháp nhằm đạt được đồng thời cả mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu trong NDC của các quốc gia, cũng như các chiến lược quốc gia khác về đa dạng sinh học hay giảm nghèo bền vững.

Để phát huy tối đa tiềm năng này, trước hết, cần xác định phương pháp ước tính trữ lượng các-bon và hướng dẫn các địa phương, tuân thủ các quy trình chặt chẽ của quốc tế để có các chỉ số liên quan đến rừng ngập mặn trong NDC. Điều này giúp dữ liệu rừng giảm tăng tính chính xác và tạo điều kiện cho các bên đưa tín chỉ các-bon rừng vào tham gia thị trường các-bon.

Ông Vũ Tấn Phương – đại diện Văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) cho rằng, Việt Nam đã có lộ trình phát triển thị trường các-bon rõ ràng và đây sẽ là cơ hội lớn cho việc mua bán tín chỉ các-bon để huy động đầu tư cho quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục sẵn sàng cho việc vận hành thị trường các-bon để tạo ra tín chỉ các-bon chất lượng cao, bao gồm khung pháp lý, công cụ và hướng dẫn cũng như xây dựng năng lực cho các bên tham gia tại địa phương một cách cụ thể.

Phát triển rừng còn gặp khó

Theo ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển, tính riêng giai đoạn 2021 – 2023, các địa phương đã tổ chức bảo vệ hơn 309 nghìn ha rừng ven biển, đạt 112% so với kế hoạch. Về phát triển rừng, tổng diện tích rừng đã trồng là trên 6,3 nghìn ha rừng trồng tập trung, trồng 327 nghìn cây phân tán. Một số địa phương trồng rừng ven biển đạt kết quả cao như: Quảng Ninh (843ha), Hải Phòng (663ha), Quảng Bình (601ha), Hà Tĩnh (599ha), Quảng Trị (533ha).

Tuy vậy, nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra với công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều dự án trồng rừng ven biển còn chậm tiến độ, ở một số nơi, việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn cây giống chưa được kiểm soát về nguồn gốc nên chất lượng chưa bảo đảm…

Nguyên nhân khách quan một phần do tác động của BĐKH và nước biển dâng gây xói lở bờ biển cửa sông, gây mất rừng, khó khăn cho trồng rừng. Đất quy hoạch rừng vùng ven biển thường xuyên biến động do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế – xã hội như phát triển công nghiệp, cảng biển, điện năng, du lịch nghỉ dưỡng, nuôi trồng thủy sản…

Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, thủ tục thực hiện dự án mất nhiều thời gian dẫn đến nhiều dự án triển khai chậm hoặc phải điều chỉnh. Một số địa phương chưa quyết liệt xử lý tình trạng xâm chiếm đất trái phép, thu hồi đất để trồng lại rừng theo quy định…

Theo ông Lực, vấn đề đặt ra là khi lập dự án đầu tư, chủ đầu tư cần khảo sát, đánh giá kỹ hiện trường, điều kiện trồng rừng, gắn với nguồn vốn cụ thể. Việc phân bổ vốn các dự án phải kịp thời đảm bảo tiến độ và mùa vụ trồng rừng nhằm tăng tỷ lệ sống cho cây. Điều này rất cần sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Có thể lồng ghép trồng rừng ngập mặn trong các chương trình trên cùng địa bàn, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, lồng ghép về giới, sự quan tâm hỗ trợ từ các tổ chức Quốc tế.

Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và mở rộng diện tích rừng ngập mặn hiện có, đại diện UNDP khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về rừng ngập mặn; nâng cao chất lượng thu thập dữ liệu và giám sát giữa các đơn vị về khí hậu, đa dạng sinh học và ven biển. Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia của cộng đồng xuyên suốt các sáng kiến bảo tồn và phục hồi; hoàn thiện khung pháp lý để tạo cơ chế ưu đãi và hạn chế chuyển đổi bất hợp pháp, đồng thời, tận dụng các ưu đãi tài chính từ thị trường các-bon và chuỗi giá trị bền vững.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.