Ngày 18/8 tại Hải Phòng, Bộ TN&MT phối hợp cùng UBND TP. Hải Phòng tổ chức Hội nghị giao ban Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc.
Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì. Tham gia Hội nghị có đại diện Lãnh đạo và đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, môi trường nước ta nói chung và khu vực phía Bắc nói riêng hiện vẫn đang chịu áp lực lớn từ quá trình phát triển kinh tế – xã hội: chú trọng phát triển kinh tế, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ trở nên nghiêm trọng, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân phát biểu chủ trì Hội nghị
Các vấn đề và yêu cầu nêu trên đã đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường nói riêng.
Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận từ các cơ quan quản lý về môi trường tại các địa phương, trong đó, ưu tiên vào các nội dung trọng tâm như: Những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT trong thời gian vừa qua; cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các địa phương thời gian tới trong công tác bảo vệ môi trường như: bảo vệ môi trường các lưu vực sông liên tỉnh;
Bộ cũng mong nhận được ý kiến liên quan đến công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường; kiểm soát, giám sát các điểm nóng và ứng phó đối với các sự cố môi trường; công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại và các công cụ quản lý nhà nước khác về môi trường theo quy định.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân và ông Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận các ý kiến góp ý của các đại biểu tham gia Hội nghị
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các Sở TN&MT trong công tác bảo vệ môi trường, từng bước giải quyết các vấn đề và kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường hiện nay tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Bắc nói riêng; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường theo đúng các mục tiêu đã được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng; đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo đối với công tác bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị về công tác tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường trong vùng và triển khai công tác phối hợp giữa cục kiểm soát ô nhiễm môi trường với các địa phương trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thiên Phương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, những vấn đề môi trường trọng tâm của khu vực các tỉnh phía Bắc cần tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát ô nhiễm gồm: Ô nhiễm không khí tại các đô thị và ô nhiễm nước tại các lưu vực sông; Ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; Hoạt động khai thác khoáng sản; Hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, Ngũ Huyện Khê, Bắc Hưng Hải được xác định là điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường nước cần xử lý dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường
Theo đó, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản, quy định; Trong công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; Công tác quản lý chất thải rắn còn nhiều khó khăn, bất cập; Việc triển khai thực hiện các công cụ, biện pháp kiểm soát ô nhiễm theo nguồn ô nhiễm và khu vực ô nhiễm còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn…
Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo ông Nam, trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề nghị của một số địa phương, đề xuất giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên và dự án có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Bên cạnh đó, đề xuất giảm đối tượng phải cấp giấy phép môi trường và đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ…
Ông Lê Hoài Nam – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường
Tại Hội nghị, đại diện đại diện một số Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng tham gia phát biểu ý kiến, đưa ra những khó khăn, vướng mắc thực tiễn trong quá trình thực thi Nghị định 08/2022/NĐ-CP, từ đó, đề nghị Bộ TN&MT xem xét, đưa ra hướng giải quyết.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân ghi nhận những ý kiến góp ý của các đại biểu tham gia, đồng thời, nhấn mạnh về việc cần hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là việc sửa đổi Nghị định 08, Nghị định 45. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát các cơ sở khai thác khoáng sản; thống nhất các hoạt động quản lý chất thải sinh hoạt, kiểm soát chặt các nguồn thải lớn; Chủ động kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề…
Hội nghị giao ban cấp vùng về công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn các tỉnh phía Bắc nhằm trao đổi, hướng dẫn các quy định, chính sách của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, giúp việc triển khai thực hiện được thuận lợi và thống nhất; đồng thời, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc triển khai đồng bộ các hoạt động về kiểm soát ô nhiễm môi trường có tính đặc trưng của khu vực và các vấn đề mang tính liên vùng, liên tỉnh. |
Trích nguồn: monre.gov.vn