Chúng ta chưa thực hiện phân loại rác nên công nghệ của các nước châu Âu dù hiện đại đến đâu cũng không thể xử lý triệt để được rác của Việt Nam. Trăn trở với điều này, gần 20 năm nay, ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy lực – Máy HMC đã bắt tay vào nguyên cứu công nghệ điện rác và các bon organic dành riêng cho Việt Nam. Công nghệ này đến nay, đã nhận được nhiều Bằng khen về sáng chế và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, đây là công trình sáng tạo của trí tuệ Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về công nghệ này, Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Gia Long.
PV: Công nghệ chuyển hóa rác thải thành điện năng và các bon xử lý nguồn rác thải chưa phân loại như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Gia Long: Công nghệ chuyển hóa rác thải thành điện năng và các bon organic là công nghệ khí hóa đa nhiên liệu trong điều kiện thiếu ôxy. Với công nghệ này, rác đầu vào được nạp lên dây chuyền tiền chế bằng một cơ cấu nâng hạ thủy lực. Sau đó, được cắt nhỏ trên băng chuyền và tách biệt riêng ra thành 2 dòng vật chất, dòng vật chất thứ nhất là hữu cơ mô mềm và nước (là những vật chất dễ phân hủy, gây ô nhiễm mùi và kéo theo côn trùng…). Dòng vật chất này được công ty trộn lẫn với than các bon trong quá trình xử lý rác, tạo ra vật chất chúng tôi gọi là các bon organic có nguồn gốc 100% hữu cơ, có thể sử dụng được làm sản phẩm phân bón trong tương lai.
Dòng vật chất thứ hai là xơ bã rác, được trộn với đất, cát, đá, sắt, nylon… sấy giảm ẩm 20% – 25%, sau đó, ép thành viên hoặc kiện đưa vào lò khí hóa đa nhiên liệu, sản xuất thành khí tổng hợp đưa vào nhiệt hóa để sinh ra khí tổng hợp. Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là phát điện và than các bon dùng để trộn với hữu cơ mô mềm.
Ông Nguyễn Gia Long (ngoài cùng bên trái) – Giám đốc Công ty TNHH Thủy lực – Máy HMC giới thiệu về quy trình xử lý rác thải. Ảnh: MH
PV: Ông có thể nói rõ hơn về điểm khác biệt của công nghệ này so với các công nghệ Châu Âu?
Ông Nguyễn Gia Long: Điều khác biệt của công nghệ này là rác thải sinh hoạt được tách ra thành hai dòng vật chất. Dịch bùn hữu cơ mô mềm và nước ngậm (tác nhân phân hủy nhanh gây mùi và côn trùng) phối trộn với than các bon (sau khi hóa điện) để sản xuất thành đất đen carbon organic, dùng để cải tạo đất và sử dụng cho ngành nông nghiệp hữu cơ tốt nhất, tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, xơ bã rác Xenkuylo (không phân hủy và không còn mùi) phối trộn với chất thải vô cơ là thủy tinh, đất cát, đá lẫn tạp chất như một tác nhân tạo thành vùng than hồng duy trì nhiệt độ trong lò để chuyển hóa chất thải rắn thành khí Syngas và than các bon) trong điều kiện thiếu ôxy và không còn tỷ lệ % nào phải chôn lấp. Các vật chất vô cơ (không cháy được có trong rác được sử dụng như một tác nhân để khí hóa – giữ nhiệt trong lò và tham gia quá trình phản ứng nhiệt nhằm trung hòa, hấp phụ các khí ko mong muốn để trở thành các chất khoáng tự nhiên trong điều kiện thiếu Oxygen.
Các vật chất có nguồn gốc từ hữu cơ sẽ thành các bon hữu cơ, các vật chất có nguồn gốc từ dầu mỏ sẽ thành các bon thấp. Như vậy toàn bộ hỗn hợp rác sẽ được chuyển hóa thành những sản phẩm rất hữu ích phục vụ lại con người và cộng đồng xã hội – không bị bỏ phí.
Đây là phương pháp chuyển hóa chất thải từ pha rắn sang khí theo nguyên lý sử dụng nhiệt độ để bẻ gãy hay cắt đứt các mạch Hydrocarbon trong điều kiện yếu khí tạo ra khí cháy tổng hợp Syngas và phần cốc hóa còn lại là than các bon. Sử dụng khí Syngas là nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện. Than các bon được phối trộn với dịch bùn hữu cơ mô mềm và nước ngậm tạo thành đất đen các bon organic phục vụ ngành nông nghiệp hữu cơ rất hiệu quả. Bởi vậy, sẽ không còn nước rác phải xử lý, không có khí thải trong suốt quá trình chuyển hóa và không còn chất thải rắn nào phải chôn lấp. Công nghệ này không có đốt hở nên không có ống khói, vì thế không có phát thải thứ cấp.
Tôi khẳng định, đây là giải pháp công nghệ dễ ứng dụng và nhân rộng trong cộng đồng. Công nghệ và thiết bị đều là sản phẩm trong nước do chúng tôi tự làm ra nên có giá thành đầu tư phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, chi phí nhân công giảm do được tự động hóa cao.
PV: Liệu công nghệ này có thực sự ưu việt như những gì ông nói?
Ông Nguyễn Gia Long: Công nghệ xử lý rác này đã được khảo nghiệm thành công. Trong đợt chạy khảo nghiệm này, nhà máy đã xử lý sạch 208 tấn rác thải rắn không phân loại do Công ty Môi trường đô thị Hà Nam cung cấp; phát điện thắp sáng cho toàn bộ hệ thống chiếu sáng của Khu công nghiệp Đồng Văn 2. Số liệu đo kiểm thực tế vận hành Đề án thực nghiệm từ rác tới năng lượng xanh tại nhà máy Đồng Văn – Hà Nam cho thấy khí tổng hợp Syngas từ rác thải sinh hoạt có nhiệt trị thấp nên 5m3 khí sẽ cho ra 1kW điện.
Không những thế sản phẩm của công nghệ là điện từ xơ bã rác đã được đo kiểm và hòa lưới quốc gia ổn định tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đất đen các bon organic đã được Viện Nông nghiệp kiểm định cho kết quả hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân bò, phân gà và cao gấp 2 lần phân bón vi sinh hữu cơ hiện có. Các thành phần kim loại nặng đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam.
Trung tâm Quan trắc môi trường (CEM) trực thuộc Bộ TN&MT đã kiểm tra và phê duyệt tính bền vững về môi trường của công nghệ. Bộ KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ điện rác và chứng chỉ công bố tiêu chuẩn công nghệ điện rác theo đúng quy định. Bộ Công Thương và đặc biệt là EVN thẩm định cụ thể về kỹ thuật, khả năng kết nối lưới điện, sự ổn định. Với người tiêu dùng, không chỉ cần số lượng điện năng mà cả chất lượng điện năng nữa. Hiện, Bộ TN&MT đang hướng dẫn Công ty lập hồ sơ cấp chứng chỉ công nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho công nghệ điện rác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, đây là công trình sáng tạo của trí tuệ Việt Nam, lần đầu tiên áp dụng ở nước ta và kỳ vọng trong tương lai gần sẽ thành công trên phạm vi lớn hơn, áp dụng rộng rãi hơn. Vì vậy, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy, sớm đưa công nghệ vào cuộc sống. Các Bộ, ngành, tỉnh Hà Nam cần tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để công ty tiếp tục hoàn chỉnh công nghệ, vận hành thử nghiệm thành công, đưa công nghệ vào sản xuất thương mại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế.
Hiện, tôi đã thành lập Công ty Sa Mạc Xanh, một công ty có chức năng thương mại để hiện đại hóa công nghệ này, với dự án đầu tiên của chúng tôi là Nhà máy xử lý rác thải ở Hưng Yên.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Monre.gov.vn