Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường (gọi tắt là dự thảo Quy chế), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Quy chế và báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng giới thiệu các nội dung liên quan đến dự thảo Quy chế:
Sự cần thiết ban hành Quy chế
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường “sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng”. Theo khái niệm này, sự cố môi trường có phạm vi rất rộng, bao gồm các sự cố xảy ra do thiên tai và sự cố do con người gây ra.
Ứng phó sự cố môi trường được quy định chung, mang tính nguyên tắc trong Luật bảo vệ môi trường, bao gồm: ứng phó sự cố môi trường (Điều 109); xây dựng lực lượng ứng phó sự cố môi trường (Điều 110); xác định thiệt hại do sự cố môi trường (Điều 111); trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường (Điều 112). Ngoài ra, ứng phó sự cố môi trường cũng được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường và một số văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Song song với các quy định chung về ứng phó sự cố môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy định pháp luật cụ thể về ứng phó đối với một số loại sự cố môi trường phổ biến, chẳng hạn như ứng phó sự cố thiên tai được quy định tại Luật phòng chống thiên tai; ứng phó sự cố hỏa, cháy rừng được quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy; ứng phó sự cố dịch bệnh được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; ứng phó sự cố hóa chất độc được quy định tại Quyết định 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 07 năm 2016 Thủ tướng Chính phủ về quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc; ứng phó sự cố tràn dầu được quy định tại Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 63/2014/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ).v.v..
Như vậy, ngoài các quy định chung về sự cố môi trường, ứng phó sự cố môi trường của Luật Bảo vệ môi trường, trên thực tế hầu hết các loại sự cố môi trường được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau với cơ chế, quy trình, trách nhiệm ứng phó khác nhau, bao gồm: sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, thiên tai, sự cố cháy nổ…. Trong khi đó, sự cố môi trường nói chung và sự cố môi trường do chất thải gây ra nói riêng (hay sự cố chất thải) chưa có quy định pháp luật cụ thể về phân loại, quy trình, trách nhiệm ứng phó.
Ngày 21 tháng 3 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2017/NĐ-CP quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo đó sự cố môi trường là một trong các tình huống sự cố, thiên tai cơ bản do thiên tai hoặc con người gây ra dẫn đến sự cố, tai nạn có nguy cơ đe dọa hoặc gây hậu quả tổn thất về người, phương tiện, tài sản, vật chất và gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường; đồng thời, sự cố môi trường được tổ chức ứng phó theo quy định của Nghị định này. Tuy nhiên, Nghị định số 30/2017/NĐ-CP chủ yếu quy định cơ chế phối hợp chỉ đạo ứng phó sự cố, chưa có quy định phân loại, quy trình ứng phó, trách nhiệm ứng phó cho từng loại sự cố, chưa tính đến tính chất của từng loại sự cố khác nhau….
Trong khi đó, thời gian qua trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều sự cố môi trường do chát thải gây ra, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình là sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra. Qua thực tiễn ứng phó sự cố môi trường cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, các cấp chính quyền địa phương rất lúng túng, khó khăn trong ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường do chất thải gây ra. Nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế, quy trình và trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố môi trường, cả ở cấp quốc gia và địa phương; năng lực ứng phó sự cố môi trường ở cấp địa phương còn bất cập; cơ chế và trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố môi trường chưa rõ ràng giữa các cơ quan có liên quan, giữa trung ương và địa phương; thiếu cơ chế rõ ràng, cụ thể về huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường…
Do vậy, để khắc phục khoảng trống quy định pháp luật và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra là cần thiết và cấp bách.
Quá trình xây dựng Quy chế
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn ứng phó sự cố môi trường tại Việt Nam, từ đó đề xuất cơ chế và quy trình, trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện và hoàn thành một số hoạt động sau đây trong năm 2018:
Tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật của Việt Nam về ứng phó sự cố môi trường.
Tổ chức khảo sát thực tế về công tác ứng phó sự cố môi trường tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Dương; trực tiếp làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Công Thương, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, các Khu công nghiệp, một số Ủy ban nhân dân cấp huyện về thực trạng ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trên địa bàn.
Tổ chức 02 hội thảo tham vấn về kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và kết quả rà soát, đánh giá thực trạng quy định pháp luật của Việt Nam về ứng phó sự cố môi trường và xin ý kiến về đề xuất xây dựng quy định pháp luật về ứng phó sự cố môi trường.
Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng, tham vấn và hoàn thiện dự thảo Quy chế theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:
Ngày 01/02/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-BTNMT thành lập Tổ biên tập dự thảo Quy chế. – Ngày 31/01/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 543/BTNMT-PC gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị góp ý dự thảo Quy chế.
Ngày 05/3/2018, dự thảo Quy chế đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức 02 hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương tại Nghệ An (ngày 30-31/5/2019) và thành phố Hồ Chí Minh (ngày 13-14/6/2019) về dự thảo Quy chế.
Trên cơ sở văn bản góp ý của bộ, ngành, địa phương (văn bản góp ý cụ thể tại đường dẫn: https://bitly.vn/6xc9) và ý kiến góp ý tại 02 hội thảo tại Nghệ An và thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Quy chế
Ngày 22/7/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 3 gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo Quy chế.
Ngày 20 tháng 8 năm 2019, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định dự thảo Quy chế, có sự tham gia của các chuyên gia, bộ, ngành có liên quan.
Tiếp thu ý kiến thâm định của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường. Nội dung thẩm định và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định được thể hiện tại Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp gửi kèm theo Tờ trình.
Về phạm vi điều chỉnh, cấu trúc và nội dung cơ bản của Quy chế
Về phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra trong quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và xả chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường; tổ chức ứng phó sự cố môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; cơ chế hỗ trợ ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Quy chế này không áp dụng đối với sự cố môi trường xảy ra trên biển, sự cố môi trường do thiên tai. Việc ứng phó sự cố môi trường do thiên tai, sự cố môi trường xảy ra trên biển được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố hóa chất độc, ứng phó sự cố tràn dầu và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Cấu trúc, nội dung cơ bản Quy chế ứng phó sự cố môi trường gồm có 6 chương với 26 điều, quy định về chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường; tổ chức ứng phó sự cố môi trường; cải tạo phục hồi môi trường; cơ chế hỗ trợ, cải tạo, phục hồi môi trường; trách nhiệm ứng phó, cải tạo phục hồi môi trường, cụ thể như sau:
Chương 1. Những quy định chung, (từ Điều 1 đến Điều 4), quy định phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc ứng phó sự cố môi trường; phân loại sự cố môi trường. b)
Chương 2. Chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường (từ Điều 5 đến Điều 7), quy định xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó sự cố môi trường và diễn tập ứng phó sự cố môi trường; nguồn lực ứng phó sự cố môi trường; tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường.
Chương 3. Tổ chức ứng phó sự cố môi trường (từ Điều 8 đến Điều 15), quy định đầu mối tiếp nhận thông tin về sự cố môi trường; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, báo động; ứng phó sự cố môi trường tại cơ sở; ứng phó sự cố môi trường ngoài cơ sở; xác định nguyên nhân sự cố môi trường; công bố thông tin về quá trình ứng phó sự cố môi trường; truyền thông trong quá trình ứng phó sự cố môi trường; kết thúc quá trình ứng phó sự cố môi trường.
Chương 4. Cải tạo, phục hồi môi trường (từ Điều 16 đến Điều 19), quy định cải tạo, phục hồi môi trường; lập, phê duyệt Kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường; lựa chọn và tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường; kết thúc quá trình cải tạo, phục hồi môi trường.
Chương 5. Cơ chế hỗ trợ ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường (từ Điều 20 đến Điều 23), quy định cơ chế tài chính cho ứng phó, cải tạo, phục hồi môi trường; cơ sở dữ liệu về sự cố môi trường; tham gia của cộng đồng trong ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường; khuyến khích hoạt động ứng phó sự cố môi trường và cải tạo, phục hồi môi trường.
Chương 6. Trách nhiệm tổ chức thực hiện (từ Điều 24 đến Điều 26), quy định trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Theo Monre.gov.vn