LGSP as a Service do Bộ TT&TT triển khai thể hiện cách nghĩ, cách làm mới, tư duy, cách tiếp cận mới
Việc Bộ TTTT triển khai LGSP as a Service còn thể hiện cách nghĩ, cách làm mới. Đó là đối với các hệ thống mới, các bộ, địa phương chưa hiểu thì cần một hình mẫu. Việc được “dùng thử” LGSP do Bộ TTTT cung cấp sẽ giúp cho các Bộ, địa phương có hiểu biết rõ hơn về vai trò, lợi ích, chức năng, tính năngcủa LGSP. Từ đó, các bộ, địa phương sẽ đặt ra bài toán chính xác hơn khi tiến hành đầu tư/thuê dịch vụ cho LGSP của mình.
Việc Bộ TTTT triển khai LGSP as a Service còn thể hiện tư duy, cách tiếp cận từ cung cấp cái đang có, chỉ làm vai trò ra văn bản hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp báo cáo… sang tư duy phục vụ,chủ động, đột phá, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương, chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai. Và việc này đã và sẽ làm nguồn cảm hứng cho nhiều việc khác tương tự trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, LGSP do Bộ TTTT cung cấp không thay thế cho LGSP của các bộ, các địa phương mà chỉ là giải pháp hỗ trợ, phục vụ kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương hiện đã sẵn sàng thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Hiện nay, Bộ TTTT còn triển khai LGSP as a Service cho 7 Bộ là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế và 12 địa phương gồm: Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Phước, Đắk Lắk, Hà Nội, Hậu Giang, Khánh Hoà, Lai Châu, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm sự chủ động, bền vững, các Bộ, địa phương cần chủ động phát triển LGSP của mình để việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ Chính quyền điện tử được hiệu quả, thống nhất dựa trên các trên nền tảng dùng chung, tăng cường kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ của mình và là đầu mối để kết nối đến các hệ thống thông tin bên ngoài.
Tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước góp phần tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp
Cũng theo Cục Tin học hoá, Bộ TTTT, việc triển khai các nền tảng tích hợp, dữ liệu trên quy mô toàn quốc đã có những kết quả đang ghi nhận. Cụ thể đã có 61 tỉnh, 21 Bộ đã kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tăng gần gấp đôi so với đầu năm (chỉ có tổng số khoảng 40 bộ, tỉnh). Từ 01/01/2020 đến ngày 29/10/2020, tổng số giao dịch thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào khoảng 4,2 triệu giao dịch (năm 2019 chỉ là 2,3 triệu), mỗi ngày khoảng 14.000 giao dịch. Hiệu quả thu được là rất lớn, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức. Cụ thể, sau 1 năm thực hiện liên thông khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, đã xử lý hơn 1,2 triệu hồ sơ liên thông; việc này đã giúp việc người dân, công chức, hộ tịch, tư pháp, bảo hiểm xã hội không phải thực hiện 2 thủ tục là khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế, nhập dữ liệu trên hai phần mềm khác nhau.
Năm Bộ, ngành và 5 địa phương triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu hiệu quả nhất thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (tính theo số lượng giao dịch đã thực thiện) gồm: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ TTTT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các tỉnh thành Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Hà Tĩnh, Bắc Ninh.
Ngoài ra, Cục Tin học hoá, Bộ TTTT còn cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả của các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong toàn quốc, Bộ TTTT sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tăng cường triển khai kết nối LGSP với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương.
Việc này sẽ giúp các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2020. Quan trọng hơn, việc này sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm; nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành theo hướng dựa trên dữ liệu; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của nhà nước, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí trong toàn quốc. Ngoài ra, đây còn là tiền đề để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam giai đoạn tới./.