Nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp thực hiện nghiên cứu dòng vật liệu để đánh giá tác động kinh tế – xã hội và môi trường.
Đây là nghiên cứu dòng vật liệu đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, nhằm tiên phong đề xuất một lộ trình rõ ràng để xây dựng chính sách dựa trên các bằng chứng cụ thể. Thông qua việc sử dụng dữ liệu được Chính phủ cung cấp, nghiên cứu này hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, đối tác phát triển và các bên tư nhân liên quan hiểu một cách hiệu quả về cơ hội kinh tế, xã hội và môi trường. Nghiên cứu đã đề xuất triển khai 14 ưu tiên can thiệp tuần hoàn tại Huế.
* Kinh tế tuần hoàn từ thay đổi dòng vật liệu
Kinh tế tuần hoàn hướng tới giảm sử dụng tài nguyên và phát thải, để việc sử dụng vật liệu có tính tái tạo thay vì cạn kiệt. Các đề xuất hướng tới tối ưu hóa việc sử dụng tài sản và nguyên vật liệu hiện có, từ đó cắt giảm sử dụng nguyên vật liệu sơ cấp và giảm lượng chất thải có hại.
Theo nhóm nghiên cứu, bằng cách tập trung vào những gì đã có và thay đổi thiết kế của các sản phẩm và tài sản mới, khái niệm kinh tế tuần hoàn có thể giúp tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định lộ trình phát triển nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tạo động lực tăng trưởng cho khu vực tư nhân dựa trên việc “khai thác” nguyên vật liệu thứ cấp và tái tạo. Các khuyến nghị từ nghiên cứu dựa trên phân tích tình hình sử dụng tài nguyên, tỷ lệ hữu dụng của tài sản và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Văn Dinh
Dựa trên tình hình sử dụng tài nguyên và phát thải khí nhà kính, tính phù hợp về mặt kinh tế – xã hội và quy mô đầu tư, nghiên cứu tập trung vào 6 ngành: Nông – lâm – ngư nghiệp; xây dựng; công nghiệp và chế tạo; may mặc; du lịch; giao thông vận tải.
Hiện nay, vật liệu xây dựng chiếm 77% tổng dòng vật liệu tại Huế, chủ yếu trong xây dựng các cơ sở hạ tầng mới. Các dòng vật liệu lớn khác là sản phẩm động vật và các dòng đi kèm như phân bón và phát thải từ chăn nuôi, sản phẩm thực vật, nhiên liệu hóa thạch, hóa chất, dệt may, sản phẩm gỗ và xe cộ. Bảy loại sản phẩm này cùng nhau chiếm hơn 97% tổng khối lượng, các-bon phát sinh, “dấu chân” nước (lượng nước được sử dụng trong các hoạt động của con người) và giá trị trong dòng vật liệu của tỉnh.
Phân tích dòng chuyển hóa vật liệu đã xác định 14 can thiệp áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, nhằm giảm phát thải KNK, giảm chất thải và dấu chân nước, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế và tạo việc làm. Trong đó bao gồm: Thúc đẩy kiến trúc tuần hoàn; Nâng cao năng lực xây dựng ngoài công trường và kiểu mô-đun; Cung cấp thực phẩm lành mạnh với chuỗi giá trị hiệu quả; Tăng cường xử lý phi tập trung chất thải hữu cơ; Ưu tiên nông nghiệp hữu cơ, sử dụng tài nguyên hiệu quả; Hỗ trợ giao thông năng động và công cộng; Tối ưu hóa độ hữu dụng/hiệu suất phương tiện và điện khí hóa đội xe; Tránh chất thải phát sinh và tối đa hóa lượng thu hồi; Tăng hàm lượng tái chế và tái tạo trong hàng may mặc; Thí điểm các sáng kiến tuần hoàn trong du lịch; Lồng ghép mua sắm tuần hoàn; Cấp tài chính cho các mô hình kinh doanh tuần hoàn và khởi nghiệp; Giáo dục về kinh tế tuần hoàn; Đảm bảo tiếp cận công bằng và củng cố tư pháp.
* Giảm 17% lượng phát thải nếu can thiệp về dòng vật liệu
Nhìn chung, những can thiệp này có thể giảm 17% lượng phát thải vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở là 4,7 tấn CO2tđ/năm (với giả định rằng phát thải KNK ở Thừa Thiên-Huế có kịch bản tăng trưởng tương tự như phát thải của toàn quốc). Đến năm 2050, tiềm năng giảm nhẹ KNK tăng tới 38%. Các can thiệp có tác động cao nhất đến phát thải KNK là kiến trúc tuần hoàn, ngoài công trường và bằng vật liệu gỗ; giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nông nghiệp hữu cơ; và các chiến lược giao thông ưu tiên giao thông công cộng và năng động; cùng với việc cải thiện tỷ lệ hữu dụng của đội phương tiện giao thông; và điện khí hóa. Các can thiệp khác giúp giảm phát thải KNK và chất thải liên quan đến việc tránh chất thải phát sinh, và tìm nguồn cung ứng thứ cấp và tái tạo cho hàng dệt may.
Dòng vật liệu ở Thừa Thiên Huế và tác động kinh tế, môi trường
Lợi ích khác của các can thiệp kinh tế tuần hoàn là giảm 7% dấu chân các-bon (lượng khí nhà kính tạo ra do các hoạt động của con người) từ hàng hóa và nguyên vật liệu nhập khẩu, tỷ lệ này sẽ đạt 12% vào năm 2050. Lượng phát thải giảm đi này sẽ hỗ trợ các tỉnh khác của Việt Nam và các đối tác thương mại nước ngoài thực hiện các cam kết về khí hậu của họ.
Đến năm 2030, tiềm năng giảm chất thải có thể đạt 68%, nhờ giảm chất thải thực phẩm, chất thải xây dựng, và chất thải có thể tái chế. Tiết kiệm nước ước tính đạt khoảng 16% mức sử dụng nước hiện tại ở Thừa Thiên-Huế. Trong đó, chất thải rắn phát sinh giảm gần hết do giảm lượng chất thải từ việc xây dựng ngoài công trường, giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm; kết hợp với tránh phát sinh và thu hồi chất thải. Các biện pháp này đã góp phần tiết kiệm nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu xem xét từ khía cạnh kinh tế – xã hội, việc tiết kiệm nhiên liệu và cải thiện hiệu quả sử dụng tài sản có thể tạo ra giá trị trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đồng thời, việc thu hồi và tái chế các vật liệu cũng có thể hỗ trợ tạo ra giá trị trong ngành công nghiệp và quản lý chất thải. Các biện pháp can thiệp này đặc biệt mang lại cơ hội tạo việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông và quản lý chất thải.
14 can thiệp kinh tế tuần hoàn có thể giảm 17% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và 38% phát thải khí nhà kính vào năm 2050
Khi xem xét tác động kinh tế xã hội, tất cả 14 can thiệp cùng nhau có thể tạo ra mức tăng trưởng thêm 4,5% GRP vào năm 2030 và cung cấp việc làm xanh cho thêm 8.000 người.
Những ước tính này là chỉ dấu cho thấy quy mô của nền kinh tế tuần hoàn. Các ước tính cũng chưa bao gồm những tác động quan trọng nhưng khó định lượng, như mức độ đầu tư vào giáo dục tuần hoàn, hiệu quả sử dụng tài nguyên hoặc sản xuất các sản phẩm tuần hoàn mới có thể mở ra các cơ hội mới về thị trường và tăng trưởng. Nghiên cứu cũng chỉ ra vai trò quan trọng của việc huy động tài chính, mua sắm tuần hoàn, giáo dục và pháp quyền/tư pháp để giảm tác động tiêu cực của các hoạt động tuyến tính và thúc đẩy áp dụng các khái niệm kinh tế tuần hoàn.
Nguồn: monre.gov.vn