CỤC BẢO TỒN THIÊN NHIÊN VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC
TRUNG TÂM ĐIỀU TRA, THÔNG TIN VÀ DỮ LIỆU VỀ MÔI TRƯỜNG, ĐA DẠNG SINH HỌC
CEBID

Vinh danh công tác bảo tồn loài hoang dã từ 2010 – 2020

0

Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định số 1353/QĐ-BTNMT kèm theo Thể lệ Chương trình Vinh danh tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã (2010 – 2020).

Theo đó, Chương trình hướng đến việc tổng kết đánh giá, ghi nhận, vinh danh các tổ chức, cá nhân; nhân rộng các điển hình tiên tiến có nhiều thành tích đóng góp cho công tác bảo tồn loài hoang dã giai đoạn từ 2010 – 2020, đồng thời nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào của cộng đồng về đa dạng sinh học cũng như công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học của nước ta thời gian tới.

Đây là Chương trình lần đầu được tổ chức với chủ đề chuyên về công tác bảo tồn loài hoang dã – một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cũng như công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và tổ chức thực thi Luật Đa dạng sinh học và các cam kết quốc tế khác.

Đặc biệt, Chương trình dự kiến tổng kết trao giải nhân dịp hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 05/6 năm 2021.

Bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học. Ảnh minh họa (nguồn:Internet)

Cá nhân, tổ chức tham gia Chương trình cần có công trình, đề tài, dự án nghiên cứu phát hiện mới về một hoặc nhiều loài động vật, thực vật hoang dã; đóng góp về bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế hoặc trong nước (thuộc danh mục tạp chí ISI); Có sáng kiến, giải pháp được áp dụng thành công trong công tác bảo tồn các loài hoang dã được cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi áp dụng sáng kiến, giải pháp xác nhận; Tổ chức, cá nhân không vi phạm pháp luật và không có tranh chấp, khiếu kiện về đăng ký bản quyền.

Đối với tiêu chí đánh giá tổ chức, cá nhân có hồ sơ được xét chọn, vinh danh đảm bảo một trong các tiêu chí chính như: Thứ nhất, nghiên cứu phát hiện loài mới với việc số lượng các công bố về việc phát hiện loài mới lần đầu tiên cho khoa học ở Việt Nam; kết quả nghiên cứu đóng góp cho công tác bảo tồn loài, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam. Thứ hai, sáng kiến, giải pháp về bảo tồn loài hoang dã với việc số lượng sáng kiến, giải pháp về bảo tồn các loài hoang dã; mức độ đóng góp cho việc xây dựng chính sách mới về bảo tồn loài, các mô hình bảo tồn tại chỗ, gây nuôi bảo tồn, cứu hộ… nhằm bảo tồn hiệu quả loài hoang dã.

Hình thức vinh danh gồm Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TN&MT kèm theo tiền thưởng theo quy định hiện hành và hiện vật khen thưởng của Ban tổ chức hoặc Nhà tài trợ. Hội đồng xét gồm đại diện các cơ quan về môi trường và nhiều nhà khoa học có úy tín, nhiều năm công tác lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Việt Nam là đất nước sở hữu giá trị đa dạng sinh học cao, là mái nhà của khoảng 10% số loài trên thế giới mặc dù tổng diện tích chỉ chiếm chưa đến 1% diện tích đất liền trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đa dạng sinh học tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa trước các áp lực của các hoạt động phát triển, đặc biệt là tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép và không bền vững các loài động vật hoang dã, đẩy nhiều loài đến bờ vực của sự tuyệt chủng ở tốc độ nhanh hơn bao giờ hết trong thập kỷ gần đây.

Được biết, vào năm 2015 đã có 07 cá nhân được vinh danh tại Lễ trao giải Cống hiến bảo vệ động vật hoang dã lần thứ hai do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức Freeland đồng sáng lập tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều cuộc gia, giải thưởng có liên quan về bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học được tổ chức.

Nguồn Monre.gov.vn

Chi sẻ.

Đã đóng bình luận.